Thân thương chiếc chụp cá

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước. Người dân quê tôi thường tận dụng bờ kênh nuôi cá, trồng lục bình, bông súng và thường làm những chiếc vó đặt cá cho bữa cơm hàng ngày. Ngoài chiếc vó lớn đặt ven kênh, rạch, người dân còn làm những chiếc vó tay hay còn gọi là chiếc chụp cá.

Chiếc chụp cá gọn nhẹ, dễ mang. Điều thú vị của chiếc chụp là giống với giăng lưới nhưng lại khác ở chỗ chụp thẳng xuống nước, mặt lưới tiếp xúc với mặt bùn và chụp cá không mất nhiều thời gian chờ. Tuy vậy, chiếc chụp chỉ phù hợp nơi nước không quá sâu, vì vậy thường dùng chụp cá ven bờ kênh hoặc theo các mương nước cạn. Men theo các con kênh quanh bìa rừng, vỏ và lá tràm rụng lâu năm làm cho nước kênh đen ngòm là môi trường lý tưởng cho các loài cá trú ngụ, sinh sôi.

Cá sặc ở đây to hơn cá sặc trên ruộng. Khi thấy những nơi có cỏ ven bờ, bọt cá nổi lên, cá lên tăm nhiều nhẹ nhàng thả chụp xuống. Khi cá dính lưới quẫy động chiếc chụp là dỡ lên ngay.

Trẻ em đi chụp cá quanh bìa rừng U Minh Thượng.

Chiếc chụp là dụng cụ đánh bắt thô sơ, phù hợp đánh bắt nơi nước cạn nên được dùng nhiều trong mùa khô. Chụp cá chủ yếu để bắt cá rô, cá sặc và số lượng không nhiều như loại dụng cụ khác, vì vậy người lớn ít khi chọn dụng cụ này nhưng trẻ con lại thích vô cùng. Vì dụng cụ khác hầu hết đều cần có kinh nghiệm, còn chiếc chụp sử dụng đơn giản hơn.

Biết chúng tôi thích chụp cá nhưng sợ chúng tôi còn nhỏ, chẻ tre nguy hiểm nên ông tôi thường ra sau vườn chọn những nhánh tre dài để làm vài chiếc chụp cá cho chúng tôi.

Người dân chụp cá ở dọc các con mương quanh ruộng lúa.

Mấy anh lớn giúp ông, còn tụi con nít nhỏ hơn đứng xem, rồi chạy loanh quanh bày đủ trò chơi vui nhộn. Những khu vườn ở quê tôi có hai hàng cây sao xanh mát dẫn lối ra cánh đồng mênh mông. Dọc các bờ mẫu quanh ruộng, có nhiều loại rau đồng, rau rừng và cây dại nhưng gần gũi, gắn với tuổi thơ của chúng tôi. Những buổi vui đùa, mò cua, bắt ốc, hái trái sắn, trái nổ ăn đen nhẻm miệng mà đứa nào cũng vui, cũng rộn rã tiếng cười.

Mùa nước rút, ruộng cạn, ao đìa dần gom nước từ nơi trũng cao về nơi trũng thấp, khi đó chim, cò cũng tìm đến để kiếm ăn. Trong khi làm chụp, ông tôi làm thêm vài cái bẫy cò ke để bắt cò về khìa cho chúng tôi ăn. Đặt bẫy xong, ông đi một vòng quanh các ruộng chụp cá rồi quay lại thăm.

Trẻ em đi chụp cá quanh bìa rừng U Minh Thượng.

Mùa khô, nước rút ra các đường mương quanh ruộng, những khu vực này cá sặc, cá rô nhiều, đây là lúc thích hợp để chụp cá. Ông đi trước, chúng tôi theo sau, bé út cao chưa qua ngọn lúa mà khoái đi theo, được một lúc thì mệt ông tôi phải cõng nó vào nhà.

Mấy đứa tôi không có nhiều kinh nghiệm nên chụp thường bị dính gốc cây, cố kéo lên lại làm rách lưới, méo mó chiếc chụp nhưng ông tôi không la rầy mà còn giúp chúng tôi sửa chiếc chụp và tận tình dạy chúng tôi cách chụp.

Thành quả sau buổi chụp cá đa số là cá sặc, cá rô.

Thuở nhỏ, cha mẹ tôi đi làm xa, chúng tôi ở nhà với ông bà nội, hàng ngày theo ông đi câu ếch, chụp cá, hái rau đồng, vài cái bắp chuối về cho bà nấu cơm chiều. Bữa cơm bình dị được chế biến từ những nguyên liệu của đồng quê, tuy dân dã nhưng thơm ngon, hấp dẫn. Những bữa cơm như vậy đọng lại hương vị đậm đà trong tôi theo năm tháng.

Quê hương tôi có vị phù sa cho chúng tôi những món quà tuổi thơ ngọt ngào, chan chứa hồn quê sông nước. Dù ngày nay chiếc chụp cá không được sử dụng nhiều nhưng trong khung trời tuổi thơ ngày ấy, tôi có biết bao kỷ niệm đong đầy. Nhớ lắm những buổi cùng lũ bạn bày trò, trèo cây hái trái, nhớ lắm những dòng kênh nhỏ tắm mát tuổi thơ tôi, nhớ lắm dáng ông hao gầy cặm cụi làm những chiếc chụp cá cho chúng tôi và nhớ lắm những buổi trưa hè vắt vẻo trên vai chiếc chụp cá rong ruổi trên những đường đê của chốn quê thanh bình.

Bài và ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/than-thuong-chiec-chup-ca-15947.html