Thán phục loạt công trình ngầm 'bất tử' của người xưa

Trải qua hàng ngàn năm, người xưa bằng đôi bàn tay và những dụng cụ thô sơ đã tạo ra nhiều công trình ngầm 'bất tử'. Ngày nay, chúng được xem là 'kỳ quan' dưới lòng đất.

Nằm sâu bên dưới thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hầm chứa nước Basilica Cistern là một công trình ngầm "bất tử" của người xưa. Công trình này được xây dựng dưới thời hoàng đế Đông La Mã Justinian I vào năm 532 để lưu trữ và cung cấp nước cho cư dân thời xưa.

Hầm chứa nước Basilica Cistern có kích thước khủng với chiều dài 138m, rộng 64,6m. Với diện tích gần 10.000 m2, công trình ngầm này có thể chứa tới 80.000 m3 nước. Vì vậy, Basilica Cistern còn được mệnh danh là "cung điện chìm".

Khi ghé thăm hầm chứa nước Basilica Cistern, nhiều người ấn tượng trước 336 cột đá cẩm thạch lớn được xây dựng để chống đỡ cho căn hầm. Từ sau thế kỷ 10, nơi đây không còn được sử dụng.

Nguyên do khiến "cung điện chìm" Basilica Cistern ngừng hoạt động là vì công tác bảo trì và nhân lực khá tốn kém.

Thành phố ngầm Derinkuyu nằm dưới lòng đất có độ sâu 85m ở vùng Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình này đồ sộ khi được chia thành 18 tầng với sức chứa hơn 20.000 người.

Bên trong thành phố ngầm Derinkuyu có hệ thống đường hầm và các công trình thông với nhau như nhà ở, giếng nước, kho lương khô, chuồng trại, trường học, nhà máy rượu, tu viện, nhà thờ... Một số giả thuyết cho rằng, Derinkuyu được xây dựng từ thời người Phrygia.

Sau đó, người Ba Tư và những người theo đạo Cơ Đốc thời Byzantine (thành phố cổ của Hy Lạp) vào năm 780 - 1180 tiếp tục xây dựng, mở rộng nơi này.

Thành phố ngầm Derinkuyu trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người dân khỏi thiên tai và nhiều cuộc chiến tranh trong suốt nhiều thế kỷ. Vào năm 1985, thành phố ngầm Derinkuyu được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và trở thành một trong những điểm du lịch hút khách nhất tại vùng Cappadocia.

Kênh dẫn nước Gadara dài 170 km là kênh dẫn nước ngầm cổ đại dài nhất thế giới và cũng là hệ thống phức tạp nhất. Công trình ngầm này được xây dựng để cung cấp nước cho cụm 10 thành phố thời La Mã - Hy Lạp hóa (vùng lãnh thổ ngày nay thuộc Syria và Jordan).

Theo các chuyên gia, kênh dẫn nước Gadara thuộc về Đế quốc La Mã nhưng nhiều khả năng chịu ảnh hưởng kiến trúc của đế chế Ba Tư.

Các chuyên gia vô cùng thán phục người xưa bởi họ đã xây dựng kênh dẫn nước Gadara vô cùng hoàn hảo. Độ dốc của kênh ngầm cực kỳ nhỏ, chỉ giảm 30 cm mỗi km.

Sau khi hoàn thành, kênh Gadara dẫn nước ngọt từ những nguồn nước cách xa 100 km tới vùng ngoại ô phía tây thành phố. Để hoàn thành công trình ngầm khổng lồ này, người xưa đã đào hơn 600.000 m3 đá vôi chỉ với các dụng cụ thô sơ, tương đương hơn 1/4 tổng khối lượng của Đại kim tự tháp Giza.

Mời độc giả xem video: Bí ẩn thành phố ngầm khổng lồ có sức chứa tới 20.000 người.

Tâm Anh (theo Ancient Origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/than-phuc-loat-cong-trinh-ngam-bat-tu-cua-nguoi-xua-1967784.html