Tham vọng nâng cao vị thế, BIMSTEC chính thức thông qua Hiến chương của khối

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Sáng kiến vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC) đã thông qua Hiến chương mở rộng hợp tác nội khối và củng cố kế hoạch tổng thể về kết nối giao thông.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khối BIMSTEC diễn ra ngày 30/3.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra ngày 30/3, có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo của các nước thành viên còn lại trong khối gồm Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Myanmar và Thái Lan.

Ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố đánh giá việc thông qua bản Hiến chương đã mang lại cho BIMSTEC “tính quốc tế” và điều đó phản ánh một bước tiến đáng kể của nhóm này.

Tại hội nghị, Thủ tướng Modi đã công bố khoản hỗ trợ đặc biệt trị giá 1 triệu USD cho ngân sách hoạt động của Ban thư ký BIMSTEC.

Hội nghị cũng đã hoàn tất ba tài liệu tạo điều kiện cho việc mở rộng hợp tác và thông qua việc tái cơ cấu hoàn toàn các hoạt động hợp tác của khối.

Theo đó, các hoạt động hợp tác của BIMSTEC sẽ diễn ra trong bảy lĩnh vực và mỗi nước thành viên sẽ dẫn dắt một lĩnh vực. Ấn Độ sẽ phụ trách lĩnh vực an ninh.

Theo ông Rudrenda Tandon, Vụ trưởng phụ trách BIMSTEC thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, việc thông qua Hiến chương là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC.

Bên cạnh đó, hội nghị tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc mở rộng hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Modi đề xuất cần phải đẩy nhanh tiến độ hợp tác và khối này không nên nghỉ ngơi sau khi đã thông qua bản Hiến chương. Ông Modi cũng đề cập sự cần thiết phải thúc đẩy các lĩnh vực kết nối, hợp tác trên biển, an ninh và hội nhập kinh tế.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng nỗ lực biến Vịnh Bengal thành "một cầu nối của sự kết nối, thịnh vượng và an ninh", ông Modi khẳng định, sự tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực sẽ không thể đạt được nếu không có an ninh.

Theo ông: “Những diễn biến ở châu Âu trong vài tuần qua đã đặt ra dấu hỏi về sự ổn định của trật tự quốc tế. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải làm cho hợp tác khu vực BIMSTEC trở nên tích cực hơn. Việc ưu tiên hơn nữa cho an ninh khu vực cũng trở nên cấp thiết”.

Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh, Hiến chương BIMSTEC là một bước quan trọng trong định hướng thiết lập một kiến trúc thể chế, đồng thời, từ giờ trở đi, nhóm 7 nước vịnh Bengal này sẽ có “đặc tính quốc tế, có biểu tượng, có một lá cờ và chính thức có các mục đích cũng như nguyên tắc cần phải tuân thủ".

Ấn Độ hiện đang phối hợp các nỗ lực để đưa BIMSTEC trở thành một diễn đàn hợp tác khu vực sôi động, bởi các sáng kiến của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đã không đạt nhiều tiến triển vì các lý do khác nhau.

(theo Times of India)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-vong-nang-cao-vi-the-bimstec-chinh-thuc-thong-qua-hien-chuong-cua-khoi-178730.html