Thắm tình hai tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi

Sau hơn 60 năm kết nghĩa, tình cảm giữa quân và dân hai tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi ngày càng gắn bó, keo sơn và luôn được các thế hệ đi sau vun đắp, giữ gìn...

Nghĩa tình Trà – Lam

Từ đầu những năm 1960, đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng chiến lược Chiến tranh đặc biệt, tăng cường viện trợ quân sự cho quân đội Việt Nam cộng hòa để thực hiện âm mưu chia cắt vĩnh viễn đất nước ta. Ở miền Nam, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã ra sức thành lập các ấp chiến lược nhằm mục đích loại lực lượng du kích quân giải phóng miền Nam ra khỏi dân cư để dễ dàng tiêu diệt. Trong giai đoạn này, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước gặp muôn vàn khó khăn.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển hướng đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù. Kể từ thời điểm đó, miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để cổ vũ và hỗ trợ quân và dân miền Nam đấu tranh, các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt"; phong trào kết nghĩa Bắc - Nam đã được thực hiện một cách mạnh mẽ. Ngoài các địa phương như Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng; 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên kết nghĩa với nhau; Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam, Hà Tĩnh với Bình Định; hay đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam là Hà Nội - Huế - Sài Gòn… thì Nghệ An đã được Trung ương chỉ định kết nghĩa với Quảng Ngãi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tinh thần kết nghĩa giữa các địa phương đã góp phần to lớn trong việc cổ vũ quân và dân miền Nam đấu tranh. Ảnh: Tư liệu

Sau khi kết nghĩa, suốt những năm tháng chiến tranh, quân và dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu vì Quảng Ngãi nói riêng và miền Nam nói chung với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Cũng như các tỉnh thành miền Bắc khác, Nghệ An cũng đã đón nhận nhiều con em Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam đi tập kết về nuôi dưỡng và cán bộ miền Nam ra an dưỡng.

Ngoài kết nghĩa giữa hai tỉnh Nghệ An – Quảng Ngãi, một số địa phương trên địa bàn hai tỉnh cũng đã kết nghĩa với nhau: Huyện Quỳnh Lưu kết nghĩa với huyện Bình Sơn, Nam Đàn với Mộ Đức, Nghĩa Đàn với Ba Tơ, Quỳ Châu với Trà Bồng, Thanh Chương kết nghĩa với Đức Phổ… Trong số các địa phương kết nghĩa đó, đáng kể đến mối tình kết nghĩa giữa Thanh Chương và Đức Phổ. Đến nay sau hơn 60 năm, mối quan hệ kết nghĩa này vẫn sắt son, bền chặt như ngày nào.

Đoàn đại biểu huyện Thanh Chương dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày chiếm huyện đường Đức Phổ tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hải Phong

Để hiểu hơn về mối quan hệ kết nghĩa giữa hai huyện Thanh Chương và Đức Phổ, chúng tôi ngược Thanh Chương, tìm gặp ông Đặng Anh Dũng – nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, người đã có nhiều năm gặp gỡ, kết nối, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa hai địa phương. Theo ông Dũng, nghĩa tình giữa hai địa phương Nghệ An – Quảng Ngãi nói chung và Thanh Chương – Đức Phổ nói riêng không phải đến năm 1960 mới khởi phát, mà chí ít đã xuất hiện từ thời kỳ 1930-1931.

Ngược dòng lịch sử, trong những năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam), trên địa bàn Nghệ An – Hà Tĩnh đã diễn ra phòng trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đây chính là đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931. Phong trào đã bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai đàn áp dã man, tuy nhiên, phong trào đã gây được tiếng vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Đảng trong việc lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập cho dân tộc về sau.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Thanh Chương nghe thuyết minh tại nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hải Phong

Đặc biệt sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị “khủng bố trắng”, cuối tháng 9/1930 thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và xứ ủy Trung kỳ, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất (6/1930), Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có chủ trương phát động cuộc đấu tranh "chia lửa" với phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; phản đối thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man đồng bào Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đồng chí Phan Thái Ất - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Huyện ủy Đức Phổ đã tổ chức hội nghị, vạch kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ. Đáng nói hơn, đồng chí Phan Thái Ất là nhà cách mạng tiền bối sinh ra và lớn lên tại làng Nam Sơn, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) – một người con quê hương xứ Nghệ tham gia chiến đấu, xây dựng lực lượng tại tỉnh Quảng Ngãi.

Có một con đường mang tên Thanh Chương tại thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: CSCC

Rạng sáng 08/10/1930, cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra với sự tham gia của gần 5.000 quần chúng nhân dân huyện Đức Phổ. Đoàn biểu tình xông vào huyện đường, đốt công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, treo cờ, rải truyền đơn... Cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ tuy diễn ra và kết thúc nhanh chóng, nhưng là hành động kịp thời, quyết liệt, góp phần chia lửa với phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng đoàn kết, kết nghĩa bền chặt giữa hai địa phương về sau.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi nghe thuyết minh về sự hy sinh anh dũng của 13 liệt sĩ TNXP tại Truông Bồn. Ảnh: Thành Duy

Vun đắp tình đoàn kết

Từ kết nghĩa trong lịch sử, ngày nay Nghệ An và Quảng Ngãi tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác phát triển lên tầm cao mới. Đặc biệt, vào ngày 24/7/2023 vừa qua, những người đứng đầu của hai tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình hợp tác phát triển, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương cùng phát triển. Đáng chú ý, biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh trong thời gian tới có đến 10 nội dung.

Trong đó, cả hai tỉnh đều quan tâm đến việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cũng được định hướng nghiên cứu ký kết các thỏa thuận liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ, hợp tác phát triển, trọng tâm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hai Khu kinh tế có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tìm kiếm cơ hội kết nối chuỗi đầu tư, cung ứng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế của hai tỉnh.

Hợp tác, hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, liên kết, tiêu thụ các loại nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao giữa 2 tỉnh. Hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, kết nối các tour du lịch giữa hai địa phương. Đồng thời, hỗ trợ, hợp tác về xây dựng phát triển đô thị thông minh. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao phù hợp với yêu cầu của thị trường…

Đoàn đại biểu huyện Nghĩa Đàn thăm Bảo tàng huyện Ba Tơ, đây là huyện kết nghĩa với Nghĩa Đàn hơn 60 năm qua. Ảnh: Thái Trường

Ngày nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi vẫn còn lưu dấu nhiều địa danh của tình kết nghĩa một thời. Tại Quỳnh Lưu có con kênh Bình Sơn, hồ thủy lợi An Ngãi; ở Tân Kỳ có Nông trường An Ngãi hay xã Nghĩa Hành; còn ở TP. Vinh có khách sạn Trà Bồng… đều là những cái tên được đặt theo tên các địa danh, địa phương của tỉnh Quảng Ngãi hay ghép theo tên của hai tỉnh.

Có thể thấy rằng, dưới góc độ nào đó, phong trào kết nghĩa giữa Nghệ An và Quảng Ngãi trong thời kỳ chiến tranh trước đây và liên kết phát triển trong thời đại ngày nay là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc. Nó không những có ý nghĩa động viên, khích lệ về mặt tinh thần, sẻ chia, đồng hành về mặt tình cảm, vật chất mà còn thể hiện một chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

Tiến Đông

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tham-tinh-hai-tinh-nghe-an-quang-ngai-post277445.html