Tham nhũng - mảnh đất màu mỡ cho tội phạm xuyên quốc gia

Tham nhũng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có mối quan hệ mật thiết, “nuôi dưỡng” lẫn nhau. Đây là thực trạng đáng báo động tại các quốc gia vùng đảo Thái Bình Dương.

Theo ông Jeremy Douglas, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia hiểu rằng, đưa tham nhũng vào như một yếu tố chi phí sản xuất sẽ hoàn toàn có lợi. Ảnh: Reuters

Tham nhũng tiếp tay tội phạm

Theo ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), các nhóm tội phạm xuyên quốc gia rất nhanh nhạy. Chúng biết được những quan chức tham nhũng cần bao nhiêu và hiểu rằng đưa tham nhũng vào như một yếu tố chi phí sản xuất sẽ hoàn toàn có lợi trong kế hoạch lớn của chúng.

Thực tế hiện nay, các nhóm tội phạm quốc tế đang sử dụng các quốc gia vùng đảo Thái Bình Dương làm cửa ngõ để buôn lậu ma túy, rửa tiền, buôn người và súng. Vấn đề chỉ trở nên tồi tệ khi có sự xuất hiện của các băng nhóm đến từ Australia (bao gồm những người nổi loạn (Rebels), băng đảng xe gắn máy lớn nhất thế giới (Bandidos), và những người bị trục xuất). Từ đó xây dựng nên những mạng lưới tội phạm mới sử dụng các đầu mối giao dịch cũ của chúng.

Và đáng thất vọng khi một trong các yếu tố then chốt cho thành công của tội phạm có tổ chức chính là tham nhũng trong bộ máy công quyền.

Tham nhũng tiếp tay cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia tránh được rủi ro từ việc bị đánh chặn cũng như tránh bị đưa ra xét xử.

Nguồn tin từ các cơ quan thực thi pháp luật cho biết, các nhóm tội phạm đang gia tăng sự ảnh hưởng đối với các quốc gia vùng đảo Thái Bình Dương dễ bị tổn thương, đáng báo động trong đó là sự gia tăng về lưu lượng ma túy tại các thị trường "màu mỡ" như New Zealand và Australia.

Lương thấp dễ dẫn tới tham nhũng

Theo ông Jeremy Douglas, tăng trưởng thương mại và du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội cho tội phạm có tổ chức trong việc vận chuyển ma túy và hàng hóa bất hợp pháp khác theo đường hàng không hoặc đường thủy.

Các công chức trong khu vực đã được trả lương thấp và bởi vậy họ tương đối dễ dàng để tham nhũng với một khối lượng tiền lớn.

Trong khi đó, một số quốc gia không đủ nguồn lực để tuần tra có hiệu quả lãnh hải của mình cũng như không đủ khả năng để tìm kiếm, phát hiện tàu thuyền chở hàng hóa bất hợp pháp.

"Khu vực này (vùng đảo Thái Bình Dương - PV) dễ bị tổn thương. Các nhóm tội phạm tương đối dễ dàng buôn lậu cho các quốc gia này hoặc thông qua đây để buôn lậu".

Liên quan tới vấn đề này, một báo cáo được thực hiện bởi chuyên gia tình báo của lực lượng cảnh sát New Zealand cho biết, các nhóm tội phạm có tổ chức Trung Quốc có khả năng sẽ nhắm mục tiêu tới các quan chức tham nhũng ở Nam Thái Bình Dương để thâm nhập vào các hòn đảo bị cô lập và sản xuất methamphetamine - một loại chất gây nghiện tổng hợp

Ma túy sau đó sẽ được vận chuyển trên các tàu đánh cá đến các vùng ven biển xa xôi của New Zealand, nơi chúng được phân phối bởi các băng nhóm - báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, các băng đảng khét tiếng người Mexico cũng đã sớm nhận thấy được mục tiêu màu mỡ là quần đảo Thái Bình Dương, giống như một cửa ngõ tới Australia và New Zealand.

Giám đốc điều hành Cơ quan tình báo tội phạm Australia Chris Dawson cho biết, vị trí địa lý của các quốc đảo Thái Bình Dương nằm giữa các quốc gia quan trọng và thị trường ma túy sinh lời nên đây trở thành điểm hấp dẫn để các mạng lưới tội phạm có tổ chức lựa chọn làm khu vực trung gian.

Vấn đề trục xuất đối với những người ngoại quốc và sự hiện diện của các băng nhóm có thể tạo ra một mạng lưới tội phạm mới và gia tăng nguy cơ buôn bán ma túy.

Tại cuộc họp mới đây của các nhà lãnh đạo cơ quan cảnh sát khu vực Thái Bình Dương, ông Douglas cho biết, tội phạm xuyên quốc gia được xem là "vấn đề số 1". “Cần thiết phải thúc đẩy việc thực thi các chính sách ở mức cao hơn. Chúng tôi thực sự hy vọng lãnh đạo các nước sẽ bắt đầu khởi động một số vấn đề và tìm kiếm giải pháp cho “vấn đề số 1” này", ông Douglas nói.

Phát ngôn viên Cơ quan bảo vệ biên giới và nhập cư của Chính phủ Australia cũng nhận định, tội phạm có tổ chức là một nguy cơ nghiêm trọng đe dọa đến biên giới Australia và Thái Bình Dương. Đây là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu của khu vực để cùng giải quyết.

"Cơ quan bảo vệ biên giới và nhập cư của Chính phủ Australia tiếp tục theo đuổi mục tiêu nhằm tới tất cả phương thức mà các nhóm tội phạm đang sử dụng để nhập khẩu bất hợp pháp ma túy, hàng hóa vào Australia".

Cùng với đó, để giải quyết "vấn đề số 1" này, không thể bỏ qua việc xử lý tham nhũng, chặt đứt một “đồng minh” lớn của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/tham-nhung-manh-dat-mau-mo-cho-toi-pham-xuyen-quoc-gia_t114c52n111735