Thấm nhuần bài học 'lấy dân làm gốc'

Từ bao đời nay, 'lấy dân làm gốc' là quan điểm trị quốc chủ đạo của cha ông ta. Trong giai đoạn hiện nay, phương châm 'lấy dân làm gốc' tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta phát huy và nâng lên tầm cao mới.

“Lấy dân làm gốc” là kim chỉ nam xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiểu dân, vì dân và tập hợp, đoàn kết được toàn dân sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn. Bài học “lấy dân làm gốc” vốn được nhiều vị minh quân ở nước ta vận dụng thành công. Cụ thể như nhà Trần với 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết bài học hành động cho muôn đời con cháu, rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc chính là thượng sách giữ nước”. Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cũng nâng chân lý ấy lên tầm cao: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Lời răn hậu thế của Lê Lợi cũng là sự đúc kết chiến lược trị quốc của ngài: “Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí, sức mạnh của nhân dân, để từ đó huy động toàn thể nhân dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông nam Á dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cũng ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã mang trong mình yếu tố dân tộc, bám rễ sâu trong lòng dân tộc. Cứ thế, nhân dân luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng, tạo nên ý Đảng, lòng dân suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Từ những hiểu biết đúng đắn, toàn diện về dân như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “dân là gốc”. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nói về nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng, lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong”, “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Người thường nhắc câu: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nói về lòng dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”, “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”.

Lãnh đạo xã Hành Phước (Nghĩa Hành) gặp gỡ, trò chuyện với người dân địa phương. Ảnh: T.Thuận

Nhìn lại lịch sử từ ngày thành lập Đảng đến nay, dù phải trải qua những khó khăn, thăng trầm của đất nước, nhưng Đảng ta đã tập hợp, quy tụ được mọi tầng lớp nhân dân làm nên những trang sử hào hùng. Kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945 và qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã minh chứng rằng, sức mạnh từ ý Đảng - lòng dân đã là chân lý được đúc kết từ thực tiễn. Trong lễ kỷ niệm trọng thể 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phát biểu: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Nhìn lại những thành tựu mà đất nước ta đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đã minh chứng cho kết quả của sự gắn bó “ý Đảng - lòng dân”. Đảng tin dân, dân tin Đảng; Đảng có sự ủng hộ của nhân dân; Đảng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Từ đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tự hào để đất nước ta có được cơ đồ, vị thế như hôm nay, đó chính là nhờ vào dân, dựa vào dân mà có.

Quảng Ngãi là địa phương giàu truyền thống cách mạng và giàu lòng yêu nước. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng bộ Quảng Ngãi đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh chia lửa, hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình đấu tranh của 5.000 nông dân huyện Đức Phổ đánh chiếm huyện đường vào ngày 8/10/1930 được Trung ương Đảng đánh giá là địa phương có phong trào mạnh nhất ở Nam Trung Kỳ. Sau Khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11/3/1945), Đội Du kích Ba Tơ ra đời, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; là đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân ở Nam Trung Bộ và là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó cho thấy, Đảng bộ Quảng ngãi luôn dựa vào nhân dân để phát triển và trưởng thành.

Ngày nay, Đảng bộ Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống “lấy dân làm gốc”, huy động khối đại đoàn kết toàn dân đóng góp sức người, sức của, tài lực, vật lực, tinh thần, trí tuệ... để xây dựng quê hương phát triển ngày càng giàu đẹp. Nhiều nhà máy, công trình mọc lên tạo được nhiều việc làm cho người dân Quảng Ngãi; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc... Có được kết quả đó là nhờ vào sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở. Với những kết quả đó cho thấy, cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã vận dụng nhuần nhuyễn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy dân làm gốc”.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một bộ phận cán bộ quan liêu, xa dân, chưa thật sự tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của dân. Để tiếp tục sự nghiệp của Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn, thì “xây dựng thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước mang ý nghĩa quyết định, sống còn. Do đó, đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải nói và làm theo ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đảng viên, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, có lối sống trong sáng, “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, trở thành người công bộc, là chỗ dựa, niềm tin yêu của nhân dân. Cần đấu tranh, phê phán và mạnh dạn chống các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần bài học “lấy dân làm gốc”. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa của con người Việt Nam.

ĐẠI NGHĨA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202302/tham-nhuan-bai-hoc-lay-dan-lam-goc-3157478/