Tham gia thị trường carbon: Đừng vội bán hết tín chỉ

Đến năm 2028, thị trường carbon Việt Nam sẽ chính thức được vận hành. Mặc dù tiềm năng lớn, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp 'đừng vội bán hết tín chỉ'.

Thị trường carbon quốc tế bắt đầu hình thành theo các cơ chế của Nghị định thư Kyoto, có hiệu lực từ năm 2005, trong đó các nước đã phát triển như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, Canada… phải cam kết giảm phát thải và có thể sử dụng các công cụ linh hoạt để thực hiện cam kết này, bao gồm 3 cơ chế: Giao dịch phát thải quốc tế, đồng thực hiện và phát triển sạch. Để đạt được mục tiêu, các nước đã hình thành cơ chế giao dịch phát thải trong nước, hay thị trường carbon của mình. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 47 thị trường như vậy. Việt Nam dự kiến thực hiện thí điểm thị trường carbon trong nước từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn

Thị trường carbon tạo cơ chế để các doanh nghiệp có thể giảm phát thải KNK linh hoạt, hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp phải giảm phát thải bắt buộc, có thể cân nhắc tự thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK có chi phí thấp trước. Với các biện pháp đòi hỏi chi phí đầu tư cao, doanh nghiệp có thể thay thế bằng mua hạn ngạch và tín chỉ carbon trên thị trường carbon. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến, mang lại lợi ích giảm phát thải, có thể phát triển dự án tín chỉ carbon và tận dụng được nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon ra thị trường.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường carbon Việt Nam, ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN - cho biết: Việt Nam có diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, tiềm năng carbon rừng khá lớn, hấp thụ carbon bình quân mỗi năm gần 70 triệu tấn CO2. “Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và ngành có phát thải KNK cao, Việt Nam có thể chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phát thải thấp để bán tính chỉ carbon” - ông Minh nói.

Do Việt Nam là nước đang phát triển, tổng phát thải của ngành công nghiệp không lớn như các nước phát triển, tuy nhiên, cũng cần tính toán lộ trình từ nay đến năm 2050 và sau năm 2050 để biết phát thải của các ngành sản xuất công nghiệp. “Chúng ta phải dự báo được bằng định lượng để khi có thị trường giao dịch carbon, doanh nghiệp không vội bán ra bên ngoài để tránh tình trạng khi doanh nghiệp trong nước cần, lại phải nhập khẩu giá cao hơn” - ông Minh cho hay.

Nói về cơ hội mà thị trường carbon mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Minh cho rằng, bên mua được chú ý nhiều là các tập đoàn nước ngoài, bên bán là các nhà sản xuất điện tái tạo, cơ quan sở hữu rừng cây lâu năm, các đơn vị tái chế rác, đơn vị làm nông nghiệp chuyển đổi carbon thấp.

Hiện, Tập đoàn Lộc Trời đã sản xuất nông nghiệp phát thải carbon thấp; tổ chức tài chính Citi tài trợ vốn cho người dân chuyển đổi lọc nước sạch, nấu ăn giảm phát thải và bao tiêu hạn mức giảm phát thải. Việt Nam là nước đang phát triển, phát thải đang tăng; đơn cử như ngành vận tải, hàng ngày, lượng lớn phương tiện phát thải cao được đăng ký mới và các đô thị lớn vẫn gia tăng phát thải, thậm chí các chỉ số ô nhiễm không khí khá cao; trong khi ngành hàng không, hàng hải, đánh bắt hải sản vẫn tăng trưởng mà chưa có lộ trình chuyển đổi sang giảm phát thải như các nước khác. “Đó là các thách thức khá lớn cần cân nhắc khi đem tài nguyên tín chỉ bán hết rồi sau này không có nguồn bù đắp. Doanh nghiệp sản xuất, vận hành ôtô không phát thải có ưu thế bán tín chỉ. Doanh nghiệp công nghiệp nặng có thể hợp tác đối tác công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon, tiếp theo là hình thành các trung tâm lưu trữ carbon lớn rồi mới tính tiền cho khách có nhu cầu” - ông Minh khuyến cáo.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-gia-thi-truong-carbon-dung-voi-ban-het-tin-chi-283197.html