Tham gia kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế: Hướng đến phân khúc chất lượng cao

GD&TĐ - Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm định bởi các trung tâm theo tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Đến nay, cả nước có hơn 90 trường đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực có uy tín như ABET, CTI, AUN-QA.

Hiện 4 trường ĐH kỹ thuật Việt Nam gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang trong tiến trình kiểm định chất lượng bởi HCERES.

Đầu tư có trọng điểm cả về nhân lực lẫn vật lực

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã có 3 chương trình đào tạo (CTĐT) của hệ đào tạo kỹ sư Việt – Pháp PFIEV đã được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn châu Âu EUR-ACE bởi tổ chức kiểm định độc lập CTI (Commission des Titres d’Ingénieur) của Pháp.

GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng - cho biết: “Dựa trên công tác kiểm định này và các khuyến cáo của CTI, nhà trường tiếp tục hoàn thiện hơn công tác đào tạo của chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp PFIEV, cũng như các chương trình giáo dục khác của trường.

Qua đó, cũng giúp nhà trường nắm bắt được những công việc cần thực hiện cho việc đánh giá một chương trình giáo dục. Điểm quan trọng nhất trong công tác kiểm định chương trình giáo dục, đó là sự đánh giá của các doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp”.

Trường ĐH Bách khoa đã xây dựng lộ trình tiếp cận với các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như ABET, AUN… với những bước đi khả thi nhất.

“Tổ chức xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng ABET, AUN, nghĩa là bắt đầu thực hiện dần những công việc theo yêu cầu của ABET, AUN, từ việc xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo, cấu trúc và nội dung của CTĐT, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chương trình theo định hướng ABET, AUN; kết hợp với Công ty Intel và các trường đại học đối tác của Intel, tiến hành thẩm định các báo cáo tự đánh giá các chương trình giáo dục của trường. Khi nhận thấy hội tụ đủ các điều kiện về tài chính và chất lượng, nhà trường mới bắt đầu mời chuyên gia đánh giá” – GS Lê Kim Hùng chia sẻ.

Hai chương trình tiên tiến (CTTT) của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được áp dụng một cách có chọn lọc CTĐT của hai trường ĐH hàng đầu tại Mỹ, ĐH Washington và ĐH bang Portland.

Nội dung CTĐT tập trung trang bị cho SV kiến thức ngành toàn diện đồng thời tăng cường cung cấp các kỹ năng mềm như giao tiếp, trình bày trước đám đông, quản lý dự án, kỹ năng lãnh đạo cũng như nhấn mạnh ý thức, trách nhiệm của SV với nghề nghiệp, môi trường và xã hội.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy – học, nghiên cứu của CTTT cũng được ưu tiên đầu tư theo hướng hiện đại, đầy đủ tiện nghi như máy chiếu, điều hòa…

SV CTTT còn được cung cấp riêng các phòng thí nghiệm phục vụ cho các môn cơ sở ngành và chuyên ngành cũng như phục vụ nghiên cứu sáng tạo; phòng học và hội thảo trực tuyến từ xa phục vụ các khóa học tích cực thảo luận nhóm và hội thảo trực tuyến.

Các giảng viên giảng dạy 2 CTĐT này đều được tuyển chọn với tiêu chí giỏi tiếng Anh và giàu kinh nghiệm, gần 100% giảng viên cơ sở ngành và chuyên ngành là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; chương trình cũng mời rất nhiều giáo sư thỉnh giảng đến từ các trường ĐH hàng đầu thế giới.

SV học tập ở 2 CTĐT này còn được hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập tại những tập đoàn, doanh nghiệp, công ty có uy tín cao trên thế giới như Intel, Bosch, Texas Instrument, Renesas...

Theo GS.TS Lê Kim Hùng, chỉ tính từ năm 2013 đến 2017, nhà trường đã cử 9 cán bộ quản lý tham dự lớp bồi dưỡng tập huấn bộ tiêu chuẩn kiểm định CTĐT AUN-QA tại Thái Lan.

“Nhà trường đã đối ứng gần 3 tỷ đồng cho các dự án đào tạo cán bộ và khoảng 3 tỷ đồng đầu tư vào công tác đảm bảo chất lượng trong 2 năm vừa qua”.

Động lực để cải tiến, nâng cao chất lượng

PGS.TS Phạm Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Bách khoa - cho biết:

“Một kiểm định chất lượng giáo dục được coi là có hiệu quả khi không chỉ đánh giá một trường hay một CTĐT có đạt chất lượng hay không, mà còn phải có vai trò của các chuyên gia tư vấn sẵn sàng giúp đỡ nhà trường giải quyết các vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường”.

Trong quá trình triển khai tự đánh giá và kiểm định, CTTT Điện tử - viễn thông và Hệ thống nhúng gặp không ít khó khăn và thách thức. “Cơ sở dữ liệu chưa được thống kê khoa học, chưa được cập nhật liên tục; cơ sở vật chất phải được nâng cấp đầy đủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu người học; tài liệu, chương trình cũng chưa được đánh giá và cập nhật thường xuyên.

Chưa kể là nhận thức chung của xã hội, nhà trường, cán bộ viên chức về đảm bảo chất lượng còn giới hạn. Bên cạnh đó, để xây dựng một chương trình tốt cần phải có kỹ năng viết báo cáo tự đánh giá tốt, mô tả đúng điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch hành động phù hợp với nội hàm từng tiêu chí”.

Nhưng quan trọng hơn cả, theo PGS.TS Phạm Văn Tuấn, thì việc xây dựng CTĐT phải bám sát được mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược và chính sách phát triển của nhà trường và địa phương, phải rõ ràng, phù hợp, thực tế.

Để làm được điều này, cần phải có sự phản hồi từ xã hội, của nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và của cựu sinh viên, vì thế cần phải có thời gian dài tích lũy để xây dựng chương trình.

Một kinh nghiệm nữa, theo như PGS.TS Phạm Văn Tuấn, việc lựa chọn trường đối tác và CTĐT phù hợp với mục đích phát triển của địa phương quốc gia, tương thích với năng lực của cơ sở giáo dục cũng rất quan trọng.

“Mặt khác, phải tuyên truyền tới được xã hội về đặc thù và lợi ích khi theo học CTTT nhằm tuyển được SV có chất lượng tốt, có năng lực ngoại ngữ đảm bảo theo học được bằng tiếng Anh, có phương án cân đối nguồn kinh phí để SV đủ khả năng chi trả học phí vừa phải…” – PGS.TS Phạm Văn Tuấn chia sẻ những thách thức mà 2 CTTT phải vượt qua khi tham gia kiểm định bởi tổ chức AUN-QA.

Đánh giá về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn giới hạn, các trường không thể cùng lúc nâng cao chất lượng tất cả các ngành đào tạo.

Vì thế, việc chọn lọc những ngành có thế mạnh, tập trung đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ để nhanh chóng tiếp cận chuẩn mực đào tạo của thế giới.

Thành công của 2 CTTT của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng là kinh nghiệm thực tế rất tốt để chúng ta tiếp tục nhân rộng các CTTT, chương trình chất lượng cao”.

Từ kinh nghiệm và thành công của 5 CTĐT được đánh giá bởi các tổ chức kiểm định khu vực và châu Âu, dự kiến, trong năm 2018, 2019, ĐH Đà Nẵng sẽ có thêm 15 CTĐT tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn của AUN, tiến tới kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn AUN khi đủ điều kiện cần thiết.

Mới đây nhất, 2 CTĐT - CTTT ngành Hệ thống nhúng và Điện tử - viễn thông của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa được Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn đánh giá AUN – QA. Theo đó, 2 CTĐT này được tổ chức kiểm định khu vực AUN-QA đánh giá với số điểm cao nhất trong các CTĐT đã được đánh giá tại Việt Nam hiện nay và đứng thứ hai của khu vực Đông Nam Á theo tiêu chuẩn AUN – QA.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tham-gia-kiem-dinh-chat-luong-boi-cac-to-chuc-quoc-te-huong-den-phan-khuc-chat-luong-cao-2943473-l.html