Thâm canh để tăng năng suất cây rau màu

Nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây rau màu theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Phú Bình khuyến khích người dân đẩy mạnh thâm canh, từng bước xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của HTX rau Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình).

Trước đây, trên diện tích ruộng khoảng 2 mẫu, gia đình anh Dương Công Sản, ở xã Tân Đức (Phú Bình) chủ yếu chỉ cấy lúa. Tuy nhiên, do chân ruộng cao, nguồn nước tưới không đảm bảo nên năng suất lúa đạt thấp. Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp địa phương, anh đã cải tạo đất, chuyển sang trồng dưa chuột và cà tím; đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.

Anh Sản cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tôi sử dụng máy làm đất; mắc lưới làm giàn để dây leo không bị đổ; dùng bạt ni lông phủ luống chống cỏ dại, hạn chế mất phân bón, giữ độ ẩm cho đất. Nhờ vậy, rau màu của gia đình tôi phát triển khá tốt. Tính ra mỗi năm tôi trồng được 2 vụ rau. Mỗi vụ, tôi thu bình quân 2 tấn dưa chuột và 2 tấn cà tím/sào. Sản phẩm bán ra thị trường đạt giá trị từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, gấp 5-6 lần so với cấy lúa.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây rau màu, vào vụ Đông hàng năm, gia đình anh Sản còn thuê và mượn thêm 4 mẫu đất ruộng của người dân trong xóm để mở rộng diện tích gieo trồng.

Không riêng gia đình anh Sản, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, chủ yếu là rau màu. Nhờ đó, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng rau màu của toàn huyện đạt trên 1.990ha (tăng 179ha so với năm 2020).

Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành một số vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích 70ha, tập trung tại các xã: Nhã Lộng, Dương Thành, Thanh Ninh, Tân Đức, Lương Phú.

Cùng với mở rộng diện tích, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung, chuyên canh. Giai đoạn 2021-2023, huyện hỗ trợ triển khai 7 mô hình sản xuất rau màu, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Từ các giải pháp nêu trên, toàn huyện đã xây dựng được 3 hợp tác xã sản xuất rau theo quy trình VietGAP. Bên cạnh bán sản phẩm cho thương lái, một số hợp tác xã sản xuất rau trên địa bàn đã kết nối tiêu thụ với các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Điển hình như Hợp tác xã Bình Minh ở xã Nhã Lộng đang cung cấp sản phẩm cho Nhà hàng ATK Hoàng Mấm, siêu thị rau quả sạch Ankhangfood, các quán ăn trên địa bàn TP. Thái Nguyên...

Năm 2023, sản lượng rau của huyện Phú Bình đạt trên 38,9 nghìn tấn, tăng gần 7 nghìn tấn so với năm 2020; năng suất đạt 195,7 tạ/ha, tăng 19,12 tạ so với năm 2020. Năng suất, chất lượng rau màu ngày càng tăng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọtm, đạt 123,5 triệu đồng (năm 2023), tăng 21,9 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Với hiệu quả kinh tế cao từ cây rau màu đem lại, thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây rau màu an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cây rau màu; ưu tiên phát triển vùng trồng rau an toàn tập trung tại các xã Dương Thành, Nhã Lộng, Tân Đức, Đào Xá, Xuân Phương...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202312/tham-canh-de-tang-nang-suat-cay-rau-mau-0f11d0d/