Thảm cảnh của lò gốm 300 tuổi cổ nhất Sài Gòn

Lò gốm Hưng Lợi - chứng nhân 300 năm lịch sử của Sài Gòn giờ đây là đống đổ nát cây cối um tùm, bị người dân tận dụng làm nơi đổ rác thải.

Lò gốm Hưng Lợi là một di tích lịch sử đặc biệt nằm trong địa phận làng Hòa Lục - một làng cổ nằm ven kênh Ruột Ngựa và kênh Lò Gốm, ngày nay thuộc phường 16, quận 8, TP HCM.

Tổng thể khu di tích là một gò cao khoảng 6m trải dài theo hướng Bắc Nam. Hai đầu của gò đất đã bị đào phá chỉ còn lại đoạn giữa dài khoảng 40m, chân gò rộng 30m.

Cấu tạo gò chính là phần còn lại của những lò gốm với đống phế phẩm và phế liệu dày đặc hai bên sườn gò.

Đợt khảo sát vào tháng 4/1997 đã cho biết đây là di tích khá lớn và khá nguyên vẹn, diện phân bố lên đến 10.000m2.

Đợt khai quật cuối năm 1997 và đầu năm 1998 cho thấy khu lò gốm Hưng Lợi có cấu trúc khá phức tạp, do có 3 giai đoạn sản xuất gồm 3 lò gốm nối tiếp và chồng lên nhau.

Ngoài cấu trúc chính là lò nung, các lò ống, nơi đây còn có các đoạn tường bao gia cố vách lò, đặc biệt gia cố đoạn vách gần vách hậu, nơi chịu nhiệt độ cao nhất. Tường bao thường bằng gạch xây vách lò, hoặc gạch bịt cửa hậu bị hư hỏng.

Nhiều hiện vật quý giá đã được tìm thấy tại khu di tích này, gồm các loại lu (chum) lớn bằng sành nâu, các loại sản phẩm gốm và sành không men hoặc có men nâu hay men vàng, gốm men xanh trắng và men nhiều màu, gồm có tô, đĩa, bát, cốc. ly đèn, lư hương, ấm trà, bình rượu, thìa muôi...

Là một tư liệu quý về nguồn gốc, kỹ thuật sản xuất sản phẩm của gốm cổ Sài Gòn, lò gốm Hưng Lợi đã được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 1998.

Tuy nhiên, do không được quan tâm bảo tồn, gìn giữ nên di tích này đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Toàn khu vực giờ đây là một đống đổ nát cây cối um tùm, bị người dân tận dụng làm nơi đổ rác thải. Ngay cả phần quan trọng nhất của di tích là các lò gốm cũng bị sụp, lún, biến hình, biến dạng.

Trong phạm vi di tích còn có cả những ngôi mộ tự phát vì người dân xem đây là… vùng đất hoang.

Tình trạng lấn chiếm của người dân cùng sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương khiến cho tình trạng của khu di tích ngày càng trở nên không thể cứu vãn.

Những gì còn lại của chứng nhân lịch sử 300 năm đất Sài Gòn khiến những người chứng kiến không khỏi tiếc nuối.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/tham-canh-cua-lo-gom-300-tuoi-co-nhat-sai-gon-760189.html