Thải loại lao động sau tuổi 35: Trái đắng 'sa thải mềm'

Thời gian vừa qua đang diễn ra tình trạng doanh nghiệp thải loại lao động lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên) ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Thực tế này đang diễn ra ngày càng nhiều và đang đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng trên.

Các lao động bị thải loại sau tuổi 35 hầu hết đều nhận trợ cấp BHXH một lần Ảnh: Internet.

Độ tuổi “công nhân” quá thấp

Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tại 64 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên cả nước và cũng ghi nhận có tình trạng thải loại lao động lớn tuổi. Cụ thể, hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động. Tuy nhiên, bình quân độ tuổi của công nhân trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi, thời gian trung bình của công nhân làm cho doanh nghiệp chỉ 6 - 7 năm.

Với độ tuổi trung bình của người lao động có thể dễ dàng nhận ra, doanh nghiệp chỉ muốn sử dụng lao động trong độ tuổi “thanh niên trai tráng”, còn đối với những lao động ở tuổi trung niên (35-40 tuổi) cơ hội việc làm cho họ ở các doanh nghiệp này gần như là con số không. Điều này cũng phản ánh rõ sự nghiệt ngã trong thị trường lao động bởi người lao động ở độ tuổi này chưa thể mất sức lao động nhưng đã phải chấp nhận nghỉ việc vì doanh nghiệp không còn nhu cầu nữa.

Khẳng định việc doanh nghiệp thải loại lao động sau tuổi 35 là có thật và chủ yếu là lao động trong lĩnh vực không đòi hỏi nhiều về tay nghề, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, tình trạng trên đã diễn ra được 7 năm và đặc biệt trong năm nay thì tình trạng này diễn ra phổ biến hơn. Chủ yếu những lao động bị thải loại là những lao động làm trong các doanh nghiệp có điều kiện làm việc không tốt, cường độ lao động rất cao nên khi lao động sau tuổi 35 sức khỏe sẽ kém dần, độ nhanh nhạy cũng không được tốt. Khó có thể tiếp thu được những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới.

Phân tích về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), các lao động ở độ tuổi trung niên đều đã có thâm niên làm việc, mức đóng BHXH cũng cao hơn nhưng lại thua kém đội ngũ những lao động trẻ tuổi ở việc năng suất làm việc, độ nhanh nhạy, dễ nắm bắt được công nghệ. Vì vậy để tiết giảm chi phí, giảm gánh nặng về lương, BHXH, phụ cấp thâm niên… các doanh nghiệp thường lách luật, sử dụng nhiều biện pháp để đẩy lao động ra khỏi doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động chi cho người lao động một khoản tiền trợ cấp cao hơn trợ cấp của BHXH để họ nghỉ việc.

Theo các chuyên gia, bằng nhiều cách khác nhau doanh nghiệp sẽ buộc người lao động lớn tuổi phải nghỉ việc, và đây được gọi là “sa thải mềm” tức là loại trừ lao động không gia tăng được năng suất, giảm được chi phí lương, các loại bảo hiểm. Như vậy lợi ích của doanh nghiệp được đảm bảo nhưng gánh nặng an sinh lại đẩy sang cho xã hội.

Cũng có nguyên nhân là do có những doanh nghiệp thay đổi hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất để tiết giảm chi phí, với những công nghệ cao sẽ vừa giúp nâng cao năng suất vừa cắt giảm được lao động. Hơn nữa, những lao động nào không bắt kịp được công nghệ, không áp dụng được kỹ thuật mới cũng sẽ bị đào thải. Nguyên nhân này cũng có nhưng chỉ là số ít.

“Với những công nhân bị sa thải mềm, họ sẽ phải ra đi với bàn tay trắng gần như không có tích lũy và hầu như những người lao động này đều sẽ nhận trợ cấp BHXH một lần. Đáng chú ý những người lao động này gần như không thể tìm được việc làm mới ở các khu vực quan hệ lao động vì vậy họ sẽ quay về các khu vực không có quan hệ lao động vì vậy sẽ khó có thể tiếp tục tham gia đóng BHXH, BHYT và như vậy sẽ không có sự đảm bảo về an sinh xã hội trong tương lai.

Kế sách nào cho người lao động?

Theo ông Lê Đình Quảng, đây là vấn đề đáng báo động bởi ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động cũng như các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách giải quyết việc làm bền vững. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực của chúng ta, bởi theo Luật Lao động, độ tuổi lao động nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi, bây giờ 35 tuổi đã phải ra khỏi khu vực có quan hệ lao động là rất lãng phí.

Vậy làm cách nào để giúp người lao động không bị thải loại quá sớm, đó là bài toán không hề đơn giản. Đề xuất về biện pháp, theo ông Lê Đình Quảng, thứ nhất về mặt pháp luật cần có sự sửa đổi để có sự ràng buộc hướng đến có việc làm bền vững. Các cơ quan hữu quan cần sớm có những điều chỉnh ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động sau 35 tuổi. Thứ hai, cần tuyên truyền để tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cả tuổi trẻ họ đã cống hiến cho doanh nghiệp, thì sau đó doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm xã hội đối với những lao động đã gắn bó với mình lâu dài. Bên cạnh đó, cũng cần thông tin đến người lao động biết được quyền lợi của mình, bởi hiện nay rất nhiều lao động khi được doanh nghiệp đưa ra mức trợ cấp cao đã đồng ý nghỉ việc sớm. Thứ ba, là cần có chính sách trong thu hút đầu tư, bởi những doanh nghiệp này phần lớn rơi vào các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn và gia công, chế biến, kĩ thuật, kĩ năng, trình độ không cần nhiều. Với lao động mới chỉ cần đào tạo 1-2 tuần là có thể thay thế được lao động cũ. Quá trình tuyển dụng- sa thải cũng sẽ diễn ra liên tục, nhanh chóng do đó, đối tượng bị cho nghỉ việc ở tầm 37- 38 tuổi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây sẽ là gánh nặng với thị trường lao động Việt Nam. Vì vậy, cần có chính sách về việc sử dụng lao động lâu dài trong các doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò giám sát và thực thi pháp luật của công đoàn, bởi nếu doanh nghiệp có phương án thay đổi lao động từ hai người trở lên là phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trước 30 ngày, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều bỏ qua bước này. Bên cạnh đó, công đoàn cần đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng quan hệ lao động của cả chủ doanh nghiệp và người lao động, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động; giám sát chặt các thỏa thuận, cam kết của chủ sử dụng lao động với người lao động.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là tình trạng nhận BHXH một lần, gia tăng nhận bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, Ban thực hiện chính sách BHXH cần có báo cáo phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó phân tích tác động đến chính sách an sinh xã hội như thế nào, đến người lao động như thế nào từ đó tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành BHXH ước chi BHXH, BHYT 123.652 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 21.313 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 60.826 tỷ đồng, chi từ Quỹ BHTN 2.901 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh BHYT là 39.199 tỷ đồng. Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT, đến hết tháng 6/2017, toàn ngành BHXH ước giải quyết chế độ BHXH cho 4,49 triệu lượt người, trong đó giải quyết chế độ BHXH hàng tháng cho 62.041 lượt người; Giải quyết trợ cấp một lần cho 326.953 lượt người; Giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 4.100.252 lượt người.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thai-loai-lao-dong-sau-tuoi-35-trai-dang-sa-thai-mem.aspx