Thái Lan với tham vọng trở thành trung tâm hàng không toàn cầu

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố kế hoạch 'Tầm nhìn Thái Lan 2030' với một loạt sáng kiến nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành trung tâm toàn cầu trong 8 lĩnh vực.

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Bangkok Post, một phần của mục tiêu đầy tham vọng này là biến Thái Lan thành một trung tâm hàng không. Ông Srettha mong muốn các sân bay trong nước - đặc biệt là sân bay hàng đầu Thái Lan Suvarnabhumi - có thể đón nhiều hành khách hơn, qua đó không chỉ mang lại trải nghiệm tốt hơn và thuận tiện hơn cho du khách mà còn làm cho các sân bay nội địa trở nên hấp dẫn hơn đối với các hãng hàng không bay đến Thái Lan hoặc kết nối Thái Lan vào mạng lưới toàn cầu của họ.

Ông Srettha lập luận rằng vị trí chiến lược của Thái Lan là mối liên kết giữa châu Âu và châu Á, châu Á và Bắc Mỹ, có thể giúp thu hút các hãng hàng không - đặc biệt là khi các sáng kiến mở rộng của Cơ quan quản lý sân bay Thái Lan (AoT) sắp mang lại kết quả. Đường băng thứ ba được chờ đợi từ lâu tại sân bay Suvarnabhumi dự kiến sẽ khai trương trong năm nay và cuối năm ngoái, sân bay Chiang Mai cuối cùng đã bắt đầu hoạt động 24/24 giờ.

AoT cũng có kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ baht trong những năm tới để mở rộng tất cả 6 sân bay quốc tế mà cơ quan này quản lý với đường băng tốt hơn và sức chứa kho lớn hơn nhằm cho phép các hãng hàng không hoạt động công suất hơn. Tuy vậy, vấn đề trước mắt là sự cạnh tranh mạnh mẽ. Sân bay Changi gần đó ở Singapore đã là một trung tâm toàn cầu.

Xa hơn một chút, Dubai và Qatar cũng đã chứng tỏ là những trung tâm toàn cầu. Hầu hết các hãng vận chuyển đều sử dụng hai sân bay Trung Đông làm điểm trung chuyển và mỗi quốc gia đều đầu tư rất nhiều để đưa sân bay của mình trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách.

Vị trí chiến lược rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Ví dụ, sân bay Changi không có vị trí lý tưởng, đặc biệt đối với các chuyến bay từ châu Âu và Bắc Mỹ - chuyến bay dài nhất thế giới từ New York (Mỹ) đến Singapore dài hơn vài nghìn km so với chuyến bay tương tự đến Bangkok. Tuy nhiên, khách du lịch và các hãng hàng không vẫn rất vui vẻ khi đến Changi và bỏ qua Bangkok đối với tuyến đường này, bởi đơn giản Changi đã xây dựng thương hiệu vững chắc và mang đến trải nghiệm hoàn hảo phù hợp.

Trên thực tế trong thế giới hậu đại dịch, sân bay Suvarnabhumi đã đánh mất vị thế về số lượng chuyến bay thẳng từ Bangkok đến các thành phố lớn trên toàn cầu. Một nghiên cứu của Cirium đã so sánh số lượng chuyến bay thẳng giữa thủ đô Thái Lan và các trung tâm châu Âu như London, Amsterdam và Frankfurt. Kết quả cho thấy ngày nay có ít chuyến bay thẳng đến và đi từ những thành phố này so với năm 2019, thời điểm ngay trước đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy Singapore ngày nay xử lý nhiều chuyến bay từ châu Âu hơn so với năm 2019. Trong tham vọng trở thành một trung tâm hàng không, một bước đi quan trọng không thể thiếu đối với Thái Lan là thổi sức sống mới vào THAI Airways. Từng là một hãng hàng không danh tiếng song THAI Airway đang bị tụt lại và không còn là hãng hàng không hàng đầu nữa.

Hãng gần đây đã đặt hàng 45 máy bay Boeing khi nhu cầu đi lại tăng lên, nhưng hãng cũng nên tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm mà hãng cung cấp thông qua chương trình Royal Orchid Plus. Một trung tâm hàng không mà không có thương hiệu địa phương mạnh khiến du khách tôn trọng và sẵn sàng chi tiền thì sẽ khó hấp dẫn du khách nước ngoài.

Để đưa Thái Lan trở thành trung tâm hàng không, Thái Lan cần thiết lập các quy định rõ ràng để ngăn chặn nạn tăng giá. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Suriya Juangruangreangkit gần đây đã phải hành động sau khi cư dân mạng cáo buộc các hãng hàng không bay tuyến Bangkok-Phuket tính phí quá cao. Một cuộc điều tra cho thấy vé được bán với giá lên tới 10.000 baht.

Mặc dù giá cao chỉ có thể phản ánh cung và cầu, nhưng nếu không có bất kỳ quy định minh bạch nào về cách đặt giá, điều này có thể tạo ra hình ảnh tiêu cực về một nơi mà du khách không thể mong đợi trải nghiệm suôn sẻ và công bằng.

Biến sân bay Suvarnabhumi trở thành trung tâm hàng không toàn cầu chắc chắn là một nhiệm vụ đầy tham vọng, đặc biệt là trong nửa thập kỷ tới. Sân bay Changi phải mất vài thập kỷ để thay thế Hong Kong (Trung Quốc) trở thành trung tâm hàng không ở châu Á và đó chỉ là do thành phố này tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư vào trải nghiệm du lịch tốt hơn.

Liệu tất cả những điều này có thể đạt được trong 6 năm tới? Có thể không, nhưng nếu sáng kiến này giúp tạo ra các dịch vụ, khả năng kết nối và cơ sở vật chất tốt hơn thì đó sẽ là một chiến thắng cho Thái Lan.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-voi-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-hang-khong-toan-cau/324974.html