Thái Lan tăng tốc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo

Chính sách này nhấn mạnh việc sử dụng một nền tảng ID số duy nhất cho các dịch vụ của chính phủ, bên cạnh việc phát triển lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng AI.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã đề ra lộ trình chiến lược AI quốc gia 5 năm (2022-2027) với mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Đông Nam Á vào năm 2027.

Chiến lược này cũng nhằm mục đích nâng cao vị thế của Thái Lan về chỉ số sẵn sàng AI từ vị trí thứ 59 năm 2021 lên tốp 50 vào năm 2025, đảm bảo ít nhất 600.000 người Thái có nhận thức về luật và đạo đức AI. Chiến lược này cũng dự kiến sẽ tạo ra 48 tỷ baht (1,32 tỷ USD) về tác động kinh doanh và xã hội vào năm 2027.

Kế hoạch hành động và chiến lược AI quốc gia của Thái Lan có 5 chính sách chính gồm: Việc chuẩn bị sẵn sàng về các khía cạnh xã hội, đạo đức, pháp lý và quy định cho các ứng dụng AI; Phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển AI bền vững; Nâng cao năng lực con người và cải thiện giáo dục AI; Thúc đẩy phát triển công nghệ AI và đổi mới; Thúc đẩy việc sử dụng AI trong khu vực công và tư nhân.

Bên cạnh việc thúc đẩy chiến lược thu hút thêm đầu tư công nghệ nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu đám mây, Bộ Xã hội và Kinh tế Số (DES) của Thái Lan đã vạch kế hoạch để đạt được mục tiêu này thông qua chính sách ưu tiên đám mây.

Chính sách này nhấn mạnh việc sử dụng một nền tảng ID số duy nhất cho các dịch vụ của chính phủ, bên cạnh việc phát triển lực lượng lao động được trang bị các kỹ năng AI.

Với tư cách là đơn vị chủ trì thực hiện chiến lược AI quốc gia, tháng 12/2023, DES đã đề ra chiến lược mới nhằm thúc đẩy việc ứng dụng AI và hỗ trợ các nhà cung cấp công nghệ AI trong nước. Chiến lược với tên gọi “Thành công nhanh chóng trong chính sách đối với AI và đám mây” do Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số (Depa) thực hiện.

Theo Depa, nhiệm vụ chính trong vòng 100 ngày đầu tiên sẽ bao gồm việc điều chỉnh các biện pháp của Ủy ban Đầu tư (BoI) để thu hút các nhà nhập khẩu công nghệ đám mây và AI thông qua các ưu đãi phù hợp.

Trong 6 tháng, Depa sẽ tăng cường hệ sinh thái AI bằng cách xây dựng một khu AI ở Thung lũng số Thái Lan (TDV) trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) và sẽ đưa ra các hướng dẫn thành lập quỹ đồng đầu tư để phát triển AI.

Depa cũng đặt mục tiêu tăng số lượng công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm AI từ 10 lên hơn 20 công ty.

Đối với mục tiêu một năm, Depa có kế hoạch thu hút các nhà nhập khẩu AI nước ngoài đầu tư và đăng ký làm pháp nhân trong nước, đồng thời ưu tiên tăng số lượng nhà cung cấp công nghệ AI lớn ở Thái Lan lên gấp đôi.

Ngoài ra, Depa đặt mục tiêu có ít nhất 20 cơ quan nhà nước ứng dụng AI trong hoạt động, đồng thời giảm giá trị thiệt hại đối với nền tảng kỹ thuật số do AI điều khiển gây ra xuống dưới 10 tỷ baht (khoảng 3 triệu USD).

Trong khuôn khổ chiến lược AI quốc gia, Thái Lan đã mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực AI.

Cụ thể trong năm 2023, Chính phủ Thái Lan đã ký bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực AI với cả Microsoft và "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc. Thái Lan cũng chuẩn bị sẵn sàng dự thảo luật điều chỉnh các quy định liên quan AI.

Hiện có hai văn bản dự thảo đã được đưa ra ở Thái Lan gồm Dự thảo Nghị định Hoàng gia về Hoạt động Kinh doanh Sử dụng Hệ thống AI ("Dự thảo Nghị định") và Dự thảo Đạo luật về Thúc đẩy và Hỗ trợ Đổi mới AI ở Thái Lan (“Dự luật“).

Trong khi chờ ban hành các quy định mới, Thái Lan hiện vẫn đang áp dụng Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân B.E. 2562 nhằm đảm bảo điều chỉnh các quy định liên quan bảo mật thông tin trong lĩnh vực AI và đám mây.

Bên cạnh những tiềm năng đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống con người, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm lượng khí thải carbon, thu hẹp khoảng cách giáo dục, AI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chính phủ Thái Lan xác định những rủi ro này bao gồm khả năng AI thúc đẩy tự động hóa theo cách chưa từng có, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên quy mô lớn, khiến hàng triệu người mất việc; nguy cơ thâm hụt thương mại ngày càng tăng do nhập khẩu công nghệ AI, hạn chế phát triển AI cho các dịch vụ trong nước; trình độ hiểu biết về AI của người dân còn thấp, dẫn đến quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm dưới hình thức trộm cắp tài sản trí tuệ, giám sát bất hợp pháp, giả mạo…

Bên cạnh đó, nhà chức trách Thái Lan cũng thừa nhận vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy ứng dụng AI cả khu vực công và tư nhân chưa rõ ràng, chính quyền vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong ứng dụng và quản trị AI vì đây là những vấn đề còn khá mới mẻ trong xã hội Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thai-lan-tang-toc-thuc-hien-chien-luoc-quoc-gia-ve-tri-tue-nhan-tao-post939929.vnp