Cách các quốc gia châu Á hỗ trợ doanh nghiệp

Các nền kinh tế hàng đầu châu Á đã thực thi nhiều giải pháp nhằm vực dậy các lĩnh vực đang gặp khủng hoảng, cũng như giúp một số ngành công nghiệp mũi nhọn phục hồi 'ngôi vương' trong quá khứ.

Trung Quốc, Thái Lan tăng tốc cứu doanh nghiệp bất động sản

Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021. Vào thời điểm đó, hàng loạt doanh nghiệp, từ các hãng tư nhân lớn như China Evergrande Group đến các công ty được chính phủ hậu thuẫn như CIFI Holdings đều gặp khó về dòng tiền và khả năng trả nợ. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.

Trước lo ngại rắc rối của lĩnh vực bất động sản, vốn đóng góp tới 25% GDP Trung Quốc, có nguy cơ gây ra khủng hoảng tài chính trên diện rộng, Bắc Kinh đã phải thay đổi chính sách và tìm cách vực dậy ngành này. Tháng 3/2022, chính phủ Trung Quốc ngừng chương trình thử nghiệm áp thuế bất động sản, đồng thời kêu gọi các tổ chức tài chính hỗ trợ các DN bất động sản.

Công trường xây dựng nhà máy mới của TSMC tại Kikuyo, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, vào tháng 5/2023. Ảnh: Bloomberg

Đến tháng 11/2022, Bắc Kinh tung Kế hoạch 16 điểm nhằm cứu thị trường bất động sản, chủ yếu tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của các DN và sẽ nới lỏng tạm thời hạn chế về vay ngân hàng.

Theo đó, 6 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc lên kế hoạch bơm 140 tỷ USD vào thị trường. Số vốn trên chủ yếu để phát triển bất động sản, thế chấp cho khách hàng, mua bán - sáp nhập, cung cấp tài chính cho chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.

Đến giữa năm 2023, Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) bắt đầu giảm hàng loạt lãi suất cho vay và gia hạn một số chính sách trong gói giải cứu 16 điểm đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua các kế hoạch xây nhà ở giá rẻ và cải tạo nhiều vùng chưa được phát triển tại các TP lớn, nhằm thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Chính phủ Trung Quốc cũng nới lỏng một số quy định, như giảm lãi vay với người mua lần đầu và giảm tiền trả trước mua nhà với một số TP.

Trong khi đó, Thái Lan hôm 9/4 vừa qua đã công bố hàng loạt biện pháp mới, trong đó có giảm phí đăng ký tài sản và phí chuyển nhượng nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Theo đó, Chính phủ Thái Lan đã giảm phí chuyển quyền sở hữu từ 2% xuống 0,01% cho các ngôi nhà trị giá đến 7 triệu baht (190.891 USD). Hiện tại, chỉ những tài sản dân cư có giá trị tối đa 3 triệu baht mới đủ điều kiện được giảm phí trước bạ xuống 0,01% từ mức 2% được công bố lần đầu vào năm 2022.

Ngoài ra, Ngân hàng T.Ư Thái Lan sẽ cấp thêm 30 tỷ baht cho các khoản vay thế chấp mới với lãi suất thấp hơn cho những người vay có thu nhập thấp để mua nhà mới.

Đồng thời, chính quyền của Thủ tướng Srettha Thavisin cũng giảm thuế cho một số nhà phát triển bất động sản, đồng thời khấu trừ thuế lên tới 100.000 baht cho những người muốn xây nhà. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Krisada Chinavicharana, chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét nới lỏng các quy định về quyền sở hữu tài sản của người nước ngoài đối với bất động sản tại Thái Lan. Ông Chinavicharana cho hay Bộ Tài chính sẽ yêu cầu Ngân hàng T.Ư nới lỏng các quy định về cho vay theo giá trị đối với tài sản.

Nhật Bản đầu tư khủng để phục hồi ngành bán dẫn

Năm 2023, Nhật Bản đã dồn toàn lực cho công nghiệp bán dẫn thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy mới và bổ sung nguồn tài chính khổng lồ.

Một trong những “viên ngọc quý” trong nỗ lực của Nhật Bản là Liên minh Rapidus được thành lập vào năm 2022 được chính phủ hậu thuẫn. Liên minh đang nỗ lực tạo ra một “Thung lũng Hokkaido” có thể cạnh tranh với “Thung lũng Silicon” của California, Mỹ. Cùng tham gia vào lĩnh vực chip của Nhật Bản còn có các "ông lớn” trong ngành sản xuất chất bán dẫn như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Tập đoàn Mitsubishi.

Đằng sau những sáng kiến này là những khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ yen, thậm chí hàng nghìn tỷ yen. Trong ngân sách bổ sung tài khóa năm 2023, nước này đã chi khoảng 1,85 nghìn tỷ yen (tương đương 11,9 tỷ USD) để thành lập 3 quỹ dành riêng cho chất bán dẫn, tăng hơn 40% gói ngân sách bổ sung của năm tài chính 2022.

Tính riêng trong năm tài khóa 2021 và 2022, Nhật Bản đã giải ngân tổng cộng khoảng 2.000 tỷ yen để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó hỗ trợ 330 tỷ yen cho liên minh Rapidus và 476 tỷ yen cho TSMC.

Đầu tháng 4/2024, chính phủ đã công bố khoản trợ cấp mới trị giá 590 tỷ yen cho Rapidus nhằm trang bị các thiết bị sản xuất chip và phát triển các quy trình sản xuất chip cao cấp 2 nanomet tiên tiến nhất hiện nay với hy vọng có thể sản xuất thương mại vào năm 2027 (một nanomet bằng một phần tỷ mét). Với khoản trợ cấp mới công bố, tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho Rapidus đã lên tới 920 tỷ yen.

Đáng chú ý, Nhật Bản đã hỗ trợ cho TSMC khoảng 1,2 nghìn tỷ yen cho 2 nhà máy tại Kumamoto. Nhà máy đầu tiên đã khánh thành tháng 2/2024, với tổng vốn đầu tư vào khoảng 8,6 tỷ USD, trong đó, Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 476 tỷ yen.

Cũng tại lễ khánh thành nhà máy đầu tiên, chính quyền Tokyo tiếp tục công bố khoản trợ cấp 732 tỷ yen cho việc xây dựng nhà máy thứ 2 của TSMC để bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2027. Bất chấp những khoản đầu tư vốn đã đáng kể này, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Nhật Bản sẽ giảm bớt sự hỗ trợ đối với lĩnh vực bán dẫn.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có chính sách ưu đãi thuế đối với các DN chất bán dẫn. Cụ thể, các nhà sản xuất chip hiện có thể yêu cầu khấu trừ tới 20% thuế DN. Các công ty đủ điều kiện dự kiến sẽ nhận được ưu đãi thuế trong 10 năm.

Với Nhật Bản, đây không phải là một "canh bạc" hoàn toàn mới, các quan chức nước này đang hy vọng họ có thể sớm tìm lại thời huy hoàng của đất nước trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Thời điểm những năm 1980 và 1990 Nhật Bản là một trong những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất toàn cầu nhờ sự đầu tư của chính phủ và khu vực tư nhân. Năm 1988, các công ty Nhật Bản chiếm 51% doanh số bán hàng trên toàn thế giới, dẫn đầu là NEC và Toshiba.

Tuy nhiên, sau đó, các nhà sản xuất chip Nhật Bản đã phải chịu sự cạnh tranh về giá từ các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), khiến thị phần giảm đáng kể xuống chỉ còn 10% vào năm 2019.

Ông Jun Okamoto, trưởng nhóm sản xuất công nghiệp của KPMG Nhật Bản, nhận định với Japantimes: "Trong khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hướng đến thu hút các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn hiệu suất cao và hệ thống quang tử từ các nhà đầu tư nước ngoài, Nhật Bản trước tiên sẽ phải phát triển năng lực của riêng mình trong các lĩnh vực này. Điều quan trọng hơn, các quan chức đang đặt mục tiêu tăng doanh thu bán dẫn hàng năm lên hơn 13.000 tỷ yen vào năm 2030".

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cach-cac-quoc-gia-chau-a-ho-tro-doanh-nghiep.html