Thái Duy: Sống như ông

Trong cuộc đời làm báo của tôi, một trong những may mắn lớn là được gặp nhà báo lão thành Thái Duy, được nhiều lần trò chuyện với ông, thậm chí đã thực hiện được ấp ủ bấy lâu là làm phim cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam về ông - một cây bút, một tài năng và nhân cách mà tôi vô cùng kính trọng.

Nhà báo Thái Duy (1926 - 2024). Ảnh: Quang Vinh

Càng ngày tôi càng hiểu, vì sao mỗi chuyến ra Hà Nội, các nhà báo, nhà văn thế hệ trước, những người đã bày dạy tôi rất nhiều trong nghề viết, như Nguyễn Hồ, Minh Hiền, Thế Thanh… đều bận đến mấy cũng dành thời gian đến thăm nhà báo Thái Duy tại nhà riêng ở phố Lý Thường Kiệt với một tình cảm yêu quý đặc biệt.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa khi nhắc đến nhà báo Thái Duy, đã rưng rưng nhắc đến trận ốm thập tử nhất sinh dưới cánh rừng Tây Ninh của ông - một người vì lý tưởng, vì đất nước mà không màng sống chết, người luôn chia sớt mọi khó khăn gian khổ với đồng chí, đồng nghiệp, người luôn đau xót và phẫn nộ lên tiếng trước những điều sai trái đó đây…

Không màng cả chức tước địa vị, dù rằng có những lúc, những thời điểm, nếu muốn, ông đã có. Năng nổ như ông, nhiệt huyết như ông, dám nghĩ dám làm như ông, năm 1950 đã được kết nạp Đảng, từng giữ chức bí thư chi bộ, giữa thập niên 60 thế kỷ trước đã vượt Trường Sơn vào Nam làm báo và tiếng tăm đã nổi như cồn khắp trong nước ngoài nước với tác phẩm Sống như anh, thì việc đi tìm điều lý giải thỏa đáng cho sự bận tâm chức tước đó ắt trở nên quá tầm thường trước câu chuyện Làm Người và Cầm Bút của Thái Duy.

Nhà báo Thái Duy và Luật sư - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại sự kiện ra mắt phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm "Thái Duy - sống và viết" ngày 9.8.2023 ở Hà Nội. Luật sư Trương Trọng Nghĩa từng có thời gian công tác trong khối biên tập viên - phóng viên cùng nhà báo Thái Duy ở báo Giải Phóng (1964 - 1971). Ảnh: CTV

Con trai cả của ông kể rằng ngày nhỏ chỉ biết bố mình đi Nam, vậy thôi, cho đến khi nghe được cô giáo và các bạn nói về bố, về hỏi mẹ mới biết bố là tác giả của cuốn sách đang được cả nước tìm đọc. Một nữ nhà báo nguyên phó tổng biên tập báo Bắc Kạn, cho biết khi tốt nghiệp đại học, chị ngỏ ý muốn theo nghề bác ruột của mình là nhà báo Thái Duy, rồi nghe lời ông khuyên trở về quê làm báo.

Những năm sau 1975, khi có thể bình yên hồi tưởng về tuổi trẻ và ngẫm nghĩ về cuộc đời, thì Thái Duy lại dành nhiều thời gian đi tìm những người tử tù cộng sản năm xưa với những hy sinh và khó khăn trong cuộc sống thời bình.

Ông nhiều chuyến vào Nam, thăm hỏi và lấy tư liệu. Có bận, khi biết nhiều người trong số họ chỉ có ước mơ duy nhất là được ra Hà Nội vào lăng viếng Bác, ông lặng lẽ trở về. Ít lâu sau, đoàn cán bộ tử tù được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chuyến đi như ý nguyện.

Nhắc đến chuyện này, cựu tử tù Lê Hồng Tư rưng rưng: “Ông Thái Duy là vậy, ổng không nói gì nhưng vẫn lặng lẽ làm!”. Chuyện này khiến chúng tôi hiểu thêm vì sao ông có những tài liệu về tử tù và đã sớm trao lại cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam lưu giữ như một lời nhắc nhở mãi còn với hậu thế, một trăn trở từ trái tim đầy nỗi ưu tư, một món nợ trước sự hy sinh không đòi hỏi đền đáp của những người anh hùng.

Sau khi trao số tài liệu về tử tù mà nhà báo Thái Duy vốn luôn giữ bên mình này, có lần ông khiến chúng tôi hoảng hồn lo lắng khi biết ông cụ khi đó đã 95 tuổi tự mình bắt xe ôm đến tận nơi để yên tâm nhìn thấy nó vẫn vẹn nguyên trong khu trưng bày của Bảo tàng Báo chí!

Thế nên, con người ít nghĩ về mình, suốt đời tận tâm với chữ Dân viết hoa, đã không ít bận khiến chúng tôi lúng túng khi triển khai phỏng vấn và quay phim về ông. Ông hầu như không nói những chuyện liên quan đến cá nhân, và câu trả lời của ông, hầu như trong mọi tình huống, đều dẫn về tờ báo Cứu Quốc thuở đầu đời mà ông cực kỳ say mê, tờ báo Giải Phóng sinh ra và chiến đấu trên tuyến lửa chống Mỹ, tờ Đại Đoàn Kết và cuộc trỗi dậy của khoán hộ, cùng nỗi day dứt tham những, tiêu cực chẳng hề nguôi vơi…

Nhà báo Thái Duy cùng các khách mời, thân hữu tham quan khu vực trưng bày chuyên đề "Thái Duy - sống và viết" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 9.8.2023. Ảnh: CTV

Đành rằng, 75 năm cầm bút, từ một phóng viên trẻ của báo Cứu Quốc trưởng thành trong những năm chống Pháp, đến một nhà văn, nhà báo hàng đầu của đất nước, ngòi bút của ông đã để lại cho các thế hệ bạn đọc thời chiến lẫn thời hòa bình và đổi mới những tác phẩm lớn không chỉ góp phần thúc đẩy những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế.

Từ những hăng hái bước đầu của thời trẻ ham đọc báo và ham viết lách, bằng nhiệt tình và trái tim yêu nước nồng nàn, ông tham gia kháng chiến rồi bước vào nghề báo, trở thành phóng viên mặt trận, đi từ chiến dịch này sang chiến dịch khác hàng tháng trời, ăn uống sinh hoạt y như bộ đội.

Chỉ riêng chuyện để viết được bài, gửi bài được lúc ấy đã vô vàn khó khăn do giao thông liên lạc cực kỳ hạn chế, bản thảo cứ vậy mà theo chân bộ đội, dân công về đến được tòa soạn là may. Cái tên Thái Duy cũng bắt đầu từ việc ngưỡng mộ ông Thái Dũng, một sĩ quan lãnh đạo tài giỏi của Đại đoàn 308 mà có.

Báo Cứu Quốc - niềm tự hào của báo chí cách mạng, như nhận xét của đồng chí Trường Chinh: “Chỉ việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta”. Biên tập viên, phóng viên của báo Cứu Quốc trực tiếp làm nên kỳ tích ấy bao gồm những tên tuổi đã đi vào lịch sử văn học và báo chí cách mạng nước ta như Xuân Thủy, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Văn Thương, Như Phong, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Hồng Hà, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang... ; trong đội ngũ ấy, nhà báo Thái Duy cùng với nhiều đồng chí, đồng nghiệp của mình, luôn đi về phía trước, luôn xung trận, khi trai tráng và cả khi tóc bạc, với ngòi bút trong tay như một vũ khí đặc biệt.

Từ trái: Thép Mới, Kim Toàn và Thái Duy - ba nhà báo Giải Phóng trong một lần hội ngộ. Ảnh: tư liệu

Người con của vùng quê Bắc Giang địa đầu Tổ quốc, trung tâm của Phật giáo nhiều thời kỳ, vùng đất thiêng ấy dường như đã hun đúc và tạo nên cốt cách trung kiên, nghĩa khí và ung dung tự tại trên trang viết và trong cuộc đời ông. Không có điều gì khiến ông phân tâm khi lý tưởng đã soi sáng con đường mà ông đã chọn, đó là tự do cho đất nước cho dân tộc và sự thật cho ngòi bút, sự thật trên từng trang viết.

Đất nước bị chia cắt, đường Trường Sơn được mở bằng máu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, tờ báo Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận chính thức được gây dựng và đến với công chúng bởi những nhà báo nòng cốt từ báo Cứu Quốc đi đường biển theo đoàn tàu không số vào như Tổng Biên tập Trần Phong (bí danh Kỳ Phương); hoặc lội bộ vượt Trường Sơn ba tháng ròng rã mới tới được địa điểm tập kết như hai nhà báo Tống Đức Thắng (bí danh Tâm Trí), và Thái Duy (bí danh Trần Đình Vân) tại Tây Ninh.

Là một trong ba người đầu tiên từ Bắc vào cùng một số anh em khác ở Nam Bộ sáng lập báo Giải Phóng, niềm vinh dự, may mắn đó của Thái Duy không phải nhà báo nào cũng có được.

Tại sự kiện ra mắt bộ phim Báo Giải Phóng - tờ báo trên tuyến lửa do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất: người dìu bước nhà báo Thái Duy là nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Phía sau đang quay hình là nhà báo Nguyễn Hồ, nguyên thư ký tòa soạn báo Giải Phóng. Ảnh: CTV

Tháng 3.1965, tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam, vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là chị Phan Thị Quyên, lúc này đã tham gia biệt động, là đại biểu. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ trong 15 ngày phải gặp và ghi chép lại những chuyện kể về anh Trỗi của chị Quyên.

Bản thảo mang tên Những lần gặp gỡ cuối cùng (sau được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đổi tên thành Sống như anh) vừa hoàn thành liền được một phóng viên Liên Xô chuyển giúp từ Nông Pênh ra Hà Nội bằng máy bay và đến tay Bác Hồ, được Bác xem, khen ngợi, viết lời đề tựa và chỉ đạo in thành sách.

Tác phẩm được đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu tháng 7.1965 ở NXB Văn Học 302 ngàn bản, rồi được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản. Ở nước ta, cho đến nay chưa có cuốn sách nào vượt qua kỷ lục đó và cái tên Trần Đình Vân - Thái Duy đã được biết đến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới bởi những giá trị thời đại chất chứa sau mỗi con chữ.

Ông Tạ Quang Ngọc - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (con trai cố nhà báo Quang Đạm) và nhà báo Thái Duy tại sự kiện ra mắt phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm "Thái Duy - sống và viết” ngày 9.8.2023. Ảnh: CTV

Chưa hết. Thái Duy của thời kỳ hợp tác hóa trong nông nghiệp từng làm nên sức mạnh của hậu phương, bảo đảm chi viện cho tiền tuyến lớn chống Mỹ đã bộc lộ những cực đoan, độc đoán, hình thức trong quản lý, đặc biệt trong việc rong công, phóng điểm và phân phối không công bằng; khiến ông hết sức đau xót khi bám ruộng, bám làng.

Chứng kiến thực tế khoán chui ở Hải Phòng và phong trào 5 công khai ở Thái Bình trong bối cảnh người người đều cho rằng khoán tức là chia ruộng, là tư hữu, là đi ngược lại chủ nghĩa Mác, là phản động, cây bút trong tay ông thêm vững tin để khẳng định và chiến đấu vì niềm tin ấy.

Những bài báo của ông nẩy lửa từ tên gọi đến nội dung như Một cuộc cách mạng, Ngọn gió Hải Phòng, Phá thế độc canh ở Thái Bình, Cơ chế mới, con người mới, Khoán chui hay là chết… đã ra đời như vậy, xuất hiện trên báo Đại Đoàn Kết như những hồi trống trận giục giã và góp phần tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp.

Nhà báo Hữu Thọ ở bài viết Chui ra chỗ sáng (báo Nhân Dân số ra ngày 22.4.2013) nhận xét: “Cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm ra đời rất quyết liệt” và nhắc tên nhiều đồng nghiệp báo chí cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này và khẳng định: “ Nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc của nhà báo Thái Duy với nhà báo Kim Toàn. Ảnh: CTV

Tháng 8. 2023, khi phim Thái Duy, sống và viết hoàn thành, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trân trọng mời ông đến xem lại trước khi ra mắt, Thái Duy ngồi lặng lẽ không nói gì, có lẽ ký ức gần một thế kỷ với bao buồn vui đang cồn cào thức dậy trong ông. Và bất ngờ, ông thủng thẳng, vẻn vẹn hai từ: “Không sai!”.

Đó chính là Thái Duy, nhà báo lão thành yêu quý của chúng tôi, người vô cùng kiệm lời trước mọi khen tụng và phù hoa, người suốt đời chỉ nặng nợ chữ Dân, suốt đời tôn trọng sự thật và cầm bút vì sự thật!

Trần Kim Hoa

Thái Duy, tên khai sinh Trần Duy Tấn, bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn, sinh năm 1926, tạ thế ngày 14.4.2024, thọ 99 tuổi.

Lễ viếng ông tổ chức vào hồi 14g45 ngày 16.4.2024 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thai-duy-song-nhu-ong-43369.html