Thái Bình - Lào Cai một dải ân tình - Bài cuối: 'Sợi dây kết nối những bờ yêu thương

Ngược dòng sông mẹ, mỗi người con của quê lúa Thái Bình đến Lào Cai với mong muốn cống hiến, dựng xây và khẳng định mình. Mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, nhưng hướng về quê hương xứ sở, nơi 'chôn nhau cắt rốn' thì muôn người như một, đó là tấm lòng thương nhớ, dấu yêu. Chính lòng thương yêu đó đã giúp bồi đắp tâm hồn, cho họ những hướng đi tốt đẹp nơi vùng quê mới.

>>> Bài 1: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

>>> Bài 2: Những đảng viên “quê lúa” trên vùng biên viễn

>>> Bài 3: Vững vàng vươn ra biển lớn

Dải ân tình nơi đầu sông, cuối sông

Sông Hồng buổi sớm mai như một dải lụa đào uốn cong giữa đôi bờ tươi tốt. Nơi thượng nguồn đón dòng vào đất Việt là Lào Cai, nơi con sông mải miết xuôi về với biển là Thái Bình. Nó như một dải ân tình đưa phù sa, nước mát bồi đắp vùng đất cuối, đưa người với người xích lại gần nhau, thêm khăng khít theo suốt chiều dài lịch sử.

Trở về với thuở hồng hoang, thời khai thiên lập địa, khi Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng nở ra trăm người con. Khi chia xa, 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển và hẹn ước khi có việc thì đôi bên cùng tương trợ, giúp đỡ nhau. Lời thề ấy dường như là định mệnh khi Lào Cai có đỉnh Fasipan, “nóc nhà” của Tổ quốc chính là non cao, còn Thái Bình là miền biển. Phải chăng vì vậy mà mối giao duyên cứ bền chặt từ đời này qua đời khác!

Sông Hồng đoạn chảy qua huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.

Nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, mối ân tình ấy không ngừng được vun đắp, keo sơn, khi lớp lớp người con ưu tú Thái Bình không quản hiểm nguy theo tiếng trống gọi lên bảo vệ ải Bắc của Tổ quốc. Còn nhớ thời Hai Bà Trưng, những người con ưu tú của Thái Bình đã theo nữ tướng Bát Nàn (một bộ tướng của Hai Bà Trưng) lên thu phục miền đất thượng nguồn sông Cái (nay là Lào Cai). Hoặc vào đời Trần, với tinh thần Sát Thát, biết bao người con quê Thái Bình đã theo Trần Quốc Tuấn lên vùng biên ải Lào Cai để chặn giặc Mông Cổ từ Vân Nam kéo sang xâm lược nước ta và mùa xuân năm 1258.

Lịch sử Lào Cai cũng mãi lưu danh ông Nguyễn Quang Bích, quê ở xã An Ninh (Tiền Hải). Năm 1875, triều đình mở doanh điền Hưng Hóa vừa khai hoang vừa phòng vệ núi rừng Tây Bắc, ông Bích được cử làm Chánh sơn phòng sứ. Đến năm sau, ông kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Với trách nhiệm người đứng đầu tỉnh, ông đã dâng tấu lên triều đình thi hành chính sách “Sơn phòng dưỡng dũng” (gần giống với chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng khu vực biên giới) ở vùng thượng du Hưng Hóa (tức Lào Cai). Sau này, khi quân Pháp xâm lược nước ta, thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích đã ngược lên vùng Yên Bái, Lào Cai lãnh đạo nhân dân kiên trì đánh Pháp cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã có biết bao người con Thái Bình hăng hái tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai, chiến đấu tiễu phỉ. Còn biết bao người con “quê lúa” nữa đã đi suốt dọc dài lịch sử bảo vệ mảnh đất Lào Cai qua các cuộc vệ quốc oai hùng.

Đặc biệt, sau ngày hòa bình lập lại, thực hiện lời kêu gọi của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Bắc, hàng vạn người Thái Bình đã xung phong lên Tây Bắc, trong đó có Lào Cai, cùng bà con các dân tộc nơi đây xây dựng cuộc sống mới, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Lào Cai cũng đón nhận nhiều cán bộ là con em người Thái Bình lên công tác. Chính truyền thống hiếu học của quê hương và tinh thần làm việc miệt mài “không ngại khó, ngại khổ” của người Thái Bình, đã giúp phần lớn cán bộ quê Thái Bình được đánh giá cao về trình độ, năng lực. Nhiều gia đình có tới 6 - 7 thế hệ gắn bó trọn đời với mảnh đất biên cương Lào Cai và có nhiều thành tích tự hào, như dòng họ Phạm Xuân ở Bản Xen (Mường Khương) không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có những người học hành thành đạt, như Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Phạm Xuân Hằng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; dòng họ Trần Văn ở Bản Xen (Mường Khương) xây dựng dòng họ hiếu học cấp huyện, cấp tỉnh suốt nhiều năm liền; hoặc gia đình ông Vũ Ngọc Cừ (thành phố Lào Cai) con cái đều thành đạt, trở thành lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh…

Nối dài những ước mơ

Chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người Thái Bình hoặc quê gốc Thái Bình hiện đang sinh sống, học tập và làm việc ở Lào Cai, nhưng chắc chắn đó là số lượng không nhỏ. Là phóng viên, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, dù ở phố thị hay vùng nông thôn, ở cơ quan cấp tỉnh hay cấp xã, huyện, tôi cũng dễ dàng gặp những người con của quê hương “5 tấn”. Để những người con xa xứ ấy có chốn tìm về, cùng động viên, giúp đỡ nhau trong công tác cũng như trong học tập, gần 40 năm nay, các chi hội, tổ hội đồng hương và hội đồng hương lần lượt được thành lập.

Tính từ khi hội đồng hương Thái Bình đầu tiên được thành lập vào năm 1986 là Hội đồng hương Thái Bình phường Thống Nhất (thành phố Lào Cai), đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thành lập được hội đồng hương cấp tỉnh, cấp huyện và xã, phường, ngành nghề. Theo đó, cấp huyện có 5 huyện là các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai và 14 chi hội xã, phường, ngành nghề.

Quê hương thứ 2 của những người con Thái Bình ngày càng phát triển, phồn vinh.

“Lào Cai là đất lành, là người mẹ bao dung và nhân ái, đã từng cưu mang nhiều thế hệ người Thái Bình. Người Thái Bình trên đất Lào Cai cũng đã và đang góp phần vào sự phát triển đi lên của mảnh đất biên cương” - ông Phạm Ngọc Lương, một người con Thái Bình lập nghiệp, gắn bó quá nửa đời người với Lào Cai, hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Thái Bình tại Lào Cai đã cảm tác như vậy và ông khẳng định, Hội đồng hương Thái Bình tại Lào Cai chính là sợi dây nối dài, gắn kết những người con “quê lúa” chia sẻ yêu thương, nỗ lực thi đua, góp trí, góp lực cùng cộng đồng các dân tộc Lào Cai dựng xây mảnh đất biên cương, làm rạng danh thêm truyền thống của quê hương “5 tấn”.

Từ sợi dây gắn kết là hội đồng hương, không chỉ những người con “quê lúa” đang ở nơi phố thị, mà hầu hết các thôn, xã có người Thái Bình luôn gắn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế. Không chỉ những “Mạnh Thường Quân” là các doanh nhân thành đạt ủng hộ nguồn lực tài chính, mà cả từ sự đóng góp “tích tiểu thành đại” của hội viên đã tạo ra nguồn quỹ hội để hỗ trợ các gia đình hội viên đang gắn bó trên mảnh đất Lào Cai có thêm điều kiện nâng cao khả năng lao động, sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, trong mái nhà chung là hội đồng hương, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tuyên dương, động viên các doanh nghiệp, cá nhân có nhiều thành công trong lao động, phát triển kinh tế, làm giàu cho tỉnh, cho gia đình, từ đó khích lệ những hội viên khác noi gương phấn đấu vươn lên.

Chính nhờ sợi dây liên kết là hội đồng hương mà thông tin hai chiều từ “quê lúa” Thái Bình tới mảnh đất địa đầu Lào Cai luôn thông tỏ. Quan hệ giữa hai tỉnh Lào Cai và Thái Bình không còn là quan hệ giữa hai địa phương đơn thuần, mà trở thành quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bởi vậy mà không chỉ những người con xa xứ lập nghiệp ở Lào Cai có hai quê, mà ngay cả những người gắn bó trọn đời với quê gốc Thái Bình cũng luôn dõi theo, hướng đến mảnh đất biên cương, nơi có những người anh em, những người đồng chí ngược sông Hồng làm giàu cho quê hương theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc…

Tuấn Ngọc - Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/thai-binh-lao-cai-mot-dai-an-tinh-bai-cuoi-soi-day-ket-noi-nhung-bo-yeu-thuong-z62n20191207112331014.htm