Thách thức nhiều hơn cơ hội

Với các lợi thế đặc thù, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được kỳ vọng trở thành vùng phát triển năng động, phát huy vai trò hạt nhân, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, thực tế, nhiều tiềm năng cơ hội của vùng đang còn chưa được khai thác tốt, trong khi nhiều thách thức vẫn ngổn ngang.

Sáng nay (26.6), tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc gia vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT), với sự tham dự của các nhà quản lý trung ương, địa phương, chuyên gia, nhà đầu tư trong nước, quốc tế, mục đích đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Kỳ vọng lớn Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) gồm TP.Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có rất nhiều lợi thế nổi trội để “tăng tốc” thu hút đầu tư phát triển. Đó là vị trí chiến lược quan trọng cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mêkông trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, với hệ thống giao thông đa dạng. Đặc biệt, đây là vùng giàu tiềm năng phát triển ngành kinh tế biển, kinh tế du lịch, với các di sản văn hóa thế giới (Mỹ Sơn, Hội An, Huế...) và bãi biển dài, đẹp. Nhiều vịnh nước sâu kín gió như Chân Mây (Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định)... Vùng này cũng “sở hữu” đến 4/13 khu kinh tế trọng điểm cả nước được Chính phủ cho áp dụng cơ chế, chính sách vượt trội nhằm phát huy vai trò “trụ cột” trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều địa phương trong vùng có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng vào tốp dẫn đầu cả nước, đặc biệt TP.Đà Nẵng đứng đầu 2 năm liền 2008-2009. Nhiều dự án du lịch ven biển Điện Bàn-Hội An (Quảng Nam) vẫn bị “treo” vì vướng từ cả địa phương lẫn daonh nghiệp. Với các lợi thế đặc thù này, Vùng KTTĐMT được Chính phủ thành lập với kỳ vọng trở thành một trong những vùng kinh tế năng động của cả nước, phát huy vai trò hạt nhân tăng trưởng, động lực thúc đẩy phát triển đối với cả khu vực MT-TN. Và đây là lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia được tổ chức cho Vùng KTTĐMT, với sự phối hợp tổ chức của Bộ KHĐT và UBND tỉnh Quảng Nam, sự tham dự của các bộ, ngành, 5 tỉnh, thành phố trong vùng và nhiều nhà đầu tư, DN trong nước, quốc tế. Theo ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ KHĐT: “Hội nghị là cơ hội lớn để các nhà quản lý, các nhà đầu tư trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng biển, khu CN, khu KT..., đồng thời thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư”. Tại hội nghị, các địa phương Vùng KTTĐMT trực tiếp giới thiệu, xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với 26 dự án trọng điểm. Ông Lê Trí Thanh - GĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam - kỳ vọng: “Chúng tôi không chỉ đơn thuần đưa ra danh mục kêu gọi đầu tư mà là các dự án có nội dung cụ thể để các nhà đầu tư lựa chọn, đăng ký và ngay tại hội nghị các lãnh đạo các địa phương và các nhà doanh nghiệp sẽ trực tiếp xúc tiến đầu tư với những dự án được cả 2 bên cùng quan tâm, có thể đạt được thỏa thuận ban đầu. Riêng tỉnh Quảng Nam nhìn nhận đây là cơ hội hiếm có để quảng bá, kêu gọi đầu tư mang lại kết quả cụ thể”. Lại “bài ca cơ chế” Tuy nhiên, nhìn lại thực tế những năm qua, có thể thấy cơ hội đầu tư vào Vùng KTTĐMT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Có thể lấy con số thu hút vốn FDI để làm ví dụ so sánh giữa cơ hội và thách thức đặt ra: Hiện cả vùng có 384 dự án vốn FDI đăng ký (kể cả cấp mới và tăng vốn) đạt gần 14,5 tỉ USD, chiếm 74,5% về số dự án và 61% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực MT-TN, riêng 3 năm gần đây (2007 – 2009), vốn FDI vào vùng đã đạt mức kỷ lục gần 11,3 tỉ USD, hơn gấp 4 lần của 19 năm trước đó cộng lại (giai đoạn 1988 – 2006 chỉ đạt 2,7 tỉ USD). Tuy nhiên, nếu so sánh với các vùng KTTĐ phía nam và phía bắc thì con số này chỉ chiếm tỉ lệ tương ứng là 5,6% và 14,1% về số dự án, 17,3% và 46,7% về vốn FDI đăng ký. Đặc biệt, vốn thực hiện chỉ vẻn vẹn là 7% so với vốn đăng ký. Hiện tại, sự phát triển KT-XH của vùng vẫn thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân lành nghề còn yếu và thiếu, việc liên kết phát triển của các địa phương chưa nhiều, có khi lại “cạnh tranh thảm đỏ” thiếu lành mạnh. TS Trương Đình Hiển - nghiên cứu viên cao cấp - nói rõ thêm: “Sự hợp tác giữa các tỉnh chủ yếu ngồi chờ cơ chế, chính sách và trải qua hàng thập kỷ, sự hợp tác hiện vẫn chỉ dừng lại trên giấy, chưa có một hiệu quả nào đáng kể. Cần phải tìm cách mô phỏng một mô hình dự án đầu tư nhằm thực hiên sự kết nối có hiệu quả”. Ông Lê Trí Thanh cũng cho rằng: “Thực tế sự đầu tư liên vùng nhà nước dành cho Vùng KTTĐMT thời gian qua chưa tương xứng. Các dự án trọng điểm về giao thông, như mở đường cao tốc liên vùng, phát triển các sân bay quốc tế, thậm chí cả Nhà máy lọc dầu Dung Quất đều chậm tiến độ. Vùng được quy hoạch là Vùng KTTĐMT cần được cơ chế chính sách đặc thù liên vùng áp dụng thực tế và cần có “nhạc trưởng” chủ trì điều phối xúc tiến, thu hút, thực hiện đầu tư”. Theo ông Thân Đức Nam - Tổng GĐ TCty Công trình giao thông 5: “Điều kiện hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế miền Trung hiện còn hạn chế, vì vậy các địa phương chưa khai thác và phát huy tốt hiệu quả những tiềm năng. Trong thời gian tới, các địa phương cần có chiến lược đầu tư, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, qua đó giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc triển khai dự án đầu tư có hiệu quả. Chẳng hạn, muốn khai thác tiềm năng về biển, điều đầu tiên chính là hoàn thành tuyến đường ven biển, tạo nên sự liên kết giao thương hữu hiệu để thu hút, phát triển các dự án ven biển. Dù bãi biển đẹp đến mấy thì cũng không có doanh nghiệp nào đầu tư khai thác nếu như không có điều kiện hạ tầng tốt”. Sự trông chờ vào cơ chế chính sách “dẫn đường”, “yếu huyệt” về cơ sở hạ tầng, thiếu sự đồng bộ... đã và vẫn đang là cản ngại lớn khiến Vùng KTTĐMT rơi vào cảnh “thách thức nhiều hơn cơ hội”, cần được tháo gỡ không chỉ qua một hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia lần đầu tiên này. Vùng KTTĐMT: Diện tích 27.894km2, bờ biển dài 609km. Dân số (năm 2008) là trên 6,5 triệu người. Tăng GDP bình quân (năm 2008) trên 11%, GDP đầu người (2008) trên 750USD. Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1018/1997/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2010; và đến năm năm 2004 ban hành Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐMT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” áp dụng với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Ngày 12.8.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1085/QĐ-TTg nhằm phát triển Vùng KTTĐMT thành trung tâm trung chuyển, giao thương chế biến của vùng Mêkông lớn và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với các ngành chủ đạo gồm kinh tế biển gắn với công nghiệp, du lịch-dịch vụ, hình thành chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống kho vận, kho bãi của quốc gia và quốc tế... Dự kiến đến năm 2025, vùng sẽ có khoảng 86 đô thị; trong đó có 43 đô thị mới, với dân số trên 8 triệu người.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/thach-thuc-nhieu-hon-co-hoi/20106/189769.laodong