Thách đấu võ thuật tự phát: Cần có biện pháp ràng buộc hành vi này

Liên quan đến việc võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores sang Việt Nam thách đấu võ thuật với các võ sư Việt Nam, chuyên gia pháp lý lên tiếng.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, Th.S Luật Trần Văn Việt (Hà Nội) nêu quan điểm: Về các hoạt động thể dục thể thao nói chung, Nhà nước đều khuyến khích phát triển, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống. Tuy nhiên, võ thuật là môn thể thao có tính đối kháng và sát thương cao nên đã được pháp luật Việt Nam quy định rất chi tiết.

Th.S Luật Trần Văn Việt (Hà Nội)

“Chiếu theo quy định tại quyết định số 771/QĐ-UBTDTT ngày 30/05/2002 về việc ban hành luật Thi đấu võ cổ truyền Việt Nam thì mỗi trận đấu luôn được ràng buộc bởi các quy định về hạng cân, lứa tuổi, các điều kiện, nguyên tắc khi tham gia thi đấu để ngoài việc đảm bảo an toàn, còn tránh tất cả mọi tình huống phát sinh như có thể gây ảnh hưởng và kích động tính bạo lực, hơn thua trong nhiều người. Nghiêm trọng hơn còn tạo nên làn sóng đối đầu bài xích, hơn thua giữa các bộ môn võ, gây mất an ninh trật tự”, Ths. Việt nói.

Ths. Việt nhấn mạnh việc võ sư Vịnh Xuân người Canada Pierre Francois Flores sang Việt Nam so tài cao thấp với các võ sư Việt Nam, ngoài việc thể hiện tinh thần thượng võ, quan tâm võ thuật thì một vấn đề nữa cũng cần thiết phải được đặt ra đó là các quy định của pháp luật Việt Nam đối với những trận thách đấu tự phát như thế này.

Cùng quan điểm như trên, luật sư Nguyễn Bá Ngà (Công ty luật Việt Phương) cho hay: Xung quanh việc võ sư người nước ngoài sang Việt Nam thách đấu võ thuật, hiện nay cũng có hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, vị võ sư này không bán vé, chỉ là sang giao lưu võ thuật nên cũng không làm ảnh hưởng tới ai. Quan điểm thứ hai cho rằng, bởi võ thuật là một loại hình thể thao đặc thù hay nói cách khác võ thuật là môn thể thao có tính đối kháng và sát thương cao, rất dễ gây thương tích, thậm chí có thể đoạt mạng đối thủ bằng các đòn hiểm nên cần thiết phải có biện pháp ràng buộc hành vi tự phát này.

Luật sư Nguyễn Bá Ngà (Công ty luật Việt Phương)

"Nếu trong các cuộc thi đấu tự phát mà để xảy ra thương tích từ 11% trở lên hoặc thiệt mạng cho đối phương thì người “thắng cuộc” trong những tình huống này có thể bị xử lý theo pháp luật Việt Nam”, luật sư Ngà nói.

Trao đổi với PV, lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự (PC45 Công an TP. Hà Nội) cho biết: Trước hết, các nhà chuyên môn về võ thuật phải có ý kiến. Đến thời điểm hiện tại, PC45 cũng chưa nhận được ý kiến của các bên liên quan cũng như sở VH-TT&DL. Phải xem xét việc thách đấu võ thuật tự phát có được phép hay không và xử lý theo quy định của lĩnh vực thể thao như thế nào. Giả sử nếu để xảy ra thương tích hoặc gây chết người thì các đơn vị quản lý trong lĩnh vực này phải chịu trách nhiệm hay không. Còn tất nhiên, đến khi đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, căn cứ vào tỷ lệ thương tích của nạn nhân hoặc chết người thì chắc chắn cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu trận thách đấu tự phát gây mất an ninh trật tự thì cũng có thể bị xử lý.

Hường - Thúy

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thach-dau-vo-thuat-tu-phat-can-co-bien-phap-rang-buoc-hanh-vi-nay-a332556.html