Thả cá phóng sinh – Nét đẹp văn hóa ngày ông Công, ông TáoTin khác

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, theo phong tục của người Việt Nam nói chung và người dân Lạng Sơn nói riêng, người dân lại chuẩn bị vàng mã, cá chép để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Mỗi nhà tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà chuẩn bị lễ vật cúng khác nhau, trong đó cá chép là lễ vật không thể thiếu. Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa nhân văn khởi nguồn cho một năm mới bình an, hạnh phúc.

THU HIỀN

Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc, làm ăn buôn bán… của các gia đình. Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên trời.

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa ông Công, ông Táo về trời. Bởi thế, vào ngày này, mỗi gia đình người dân Xứ Lạng thường chuẩn bị 3 đến 5 con cá chép nhỏ, thả vào chậu hoặc bát nước đặt cạnh mâm cỗ để cúng.

Sau khi làm lễ xong, cá chép sẽ được phóng sinh ở ao, hồ, sông, ngụ ý cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho ông Công, ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, đồng thời thể hiện mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn sẽ tới.

Một trong những nét đẹp trong ngày thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời đó chính là hoạt động hỗ trợ người dân thả cá chép, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh niên trên địa thành phố Lạng Sơn

Với thông điệp “chỉ thả cá – không thả túi nilon” của tuổi trẻ Xứ Lạng đã góp phần lan tỏa và thay đổi tư duy, kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Nhiều người dân đã nâng cao nhận thức giữ gìn môi trường sống trong hành động thả cá chép ngày ông Công, ông Táo bằng việc chọn để cá vào những đồ gia dụng như: bát, hộp, chậu, xô để mang cá đi phóng sinh thay thế cho túi nilon.

Bà Phạm Thị Liên, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những năm gần đây, nhằm bảo vệ môi trường, tôi đã sử dụng chậu thay thế túi nilon để thả cá phóng sinh. Có những năm tôi quên đem chậu thì được các bạn đoàn viên thanh niên hỗ trợ để cá vào xô và vứt túi nilong giúp, tôi thấy đây là một hành động đẹp cần được lan tỏa.

Để đảm bảo an toàn, tại các điểm thả cá phóng sinh dọc bờ sông Kỳ Cùng luôn có đội tình nguyện viên, lực lượng chức năng hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho người dân.

Thả cá phóng sinh dịp ông Công, ông Táo lên trời được nhiều gia đình giáo dục và cho con cháu trải nghiệm với mong muốn phát huy giá trị, ý nghĩa tốt đẹp văn hóa truyền thống cha ông để lại.

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phong-su-anh/642316-tha-ca-phong-sinh-net-dep-van-hoa-ngay-ong-cong-ong-tao.html