Tết yêu thương tại Trường Giáo dưỡng số 2

Tết Nguyên đán là thời điểm sum họp của mỗi gia đình, đối với những trẻ em, nỗi nhớ cha mẹ, người thân càng da diết hơn. Hiểu được tâm trạng của các em học sinh, các thầy cô giáo Trường Giáo dưỡng số 2, xã Mai Sơn (huyện Yên Mô) lại tất bật chuẩn bị các hoạt động trong những ngày Tết cho các em, với mong muốn giảm bớt nỗi cô đơn, tạo động lực giúp các em cải tạo tốt, sớm được quay về với gia đình và hòa nhập cộng đồng.

Tặng quà Tết động viên các em học sinh cải tạo tốt.

Những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, tại Trường Giáo dưỡng số 2 có khá nhiều các đoàn công tác, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà động viên và phối hợp cùng nhà trường tổ chức các hoạt động vui Tết cho các em học sinh đang được quản lý, giáo dục tại đây. Với nhiều hoạt động vui Xuân, như chương trình giao lưu văn nghệ, giáo dục kỹ năng sống, thi gói bánh chưng, liên hoan tất niên bằng những bữa ăn tươi... được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình, phần nào vơi đi nỗi cô đơn, nhớ nhà khi các em đã từng có khoảng thời gian sai lầm, vi phạm pháp luật.

\Em Đinh Thị H., 17 tuổi, xã Trung Hà, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa từng phạm lỗi do sử dụng trái phép chất ma túy, được rèn luyện tại trường đã gần 1 năm cho biết: Đây là năm đầu tiên em ăn Tết tại trường. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ và em ân hận rất nhiều với lỗi lầm mình đã gây ra. Mặc dù cảm thấy cô đơn nhưng các hoạt động vui Xuân, đón Tết tại trường cũng cho em sự ấm cúng, vui vẻ. Giờ em chỉ biết cố gắng học tập, rèn luyện để nhanh chóng được trở về với gia đình, bên cha mẹ, anh em, tìm kiếm một công việc phù hợp để làm và sống lương thiện, làm lại cuộc đời.

Với Nguyễn Tất H., 15 tuổi, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, do phút bồng bột của tuổi trẻ nên gây ra lỗi vi phạm nghiêm trọng. Hơn 1 năm rèn luyện tại trường, H. được các thầy cô chỉ bảo, dạy dỗ, giúp em quyết tâm thay đổi bản thân. H. cho biết, em rất day dứt và ân hận vì đã làm đau lòng cha mẹ, nhưng cứ tự dằn vặt bản thân thì cũng không thay đổi được thực tế bởi sự việc đã rồi, nên em chọn cách chấp nhận và vượt qua. Bằng việc chăm chỉ học tập, rèn luyện, suy nghĩ lạc quan, em thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chỉ còn gần 1 năm nữa là em được trở về nhà với cha mẹ, anh em. Em tin mình sẽ thay đổi, suy nghĩ khác, trở thành một công dân tốt.

Chỉ là những cô bé, cậu bé trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, nên khi được tham gia các hoạt động vui Xuân, như các trò chơi, câu đố, giao lưu văn hóa văn nghệ..., những thanh, thiếu niên nhanh chóng bắt nhịp, hòa mình trong những điệu nhảy hoặc vỗ tay, reo hò cổ vũ cho những tiết mục hấp dẫn, sôi động được khách mời và bạn mình biểu diễn. Những tiếng cười vui, rôm rả, những tràng vỗ tay sôi nổi, náo nhiệt và cả những khoảng lặng khi được nghe giáo dục về tình yêu thương, lòng biết ơn, giúp các em tạm quên đi những lỗi lầm, sai phạm, sống với đúng suy nghĩ và lứa tuổi của mình.

Các em học sinh háo hức, nhiệt tình tham gia phần thi gói bánh chưng.

Cô giáo Nguyễn Lệ Thủy, Trưởng phòng Giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm phát triển kỹ năng Thanh-Thiếu nhi, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cho biết: Những trẻ em ở trường giáo dưỡng tuy mắc những sai lầm, vi phạm đáng tiếc nhưng đều là những đứa trẻ đáng thương. Có em không còn cha mẹ, có em bố mẹ bỏ nhau, có em gia cảnh "hỏng" từ đời ông bà, cha mẹ... nên các em rất cần được quan tâm chia sẻ, động viên và giáo dục bằng tình người để dần trưởng thành.

"Khi tôi trải lòng, nói với các em về tình yêu thương và lòng biết ơn, tôi đã thấy nhiều em xúc động và rơi nước mắt. Sự xúc động đó là thật, là cảm xúc của các em khi nghĩ về những ngày được ở bên cha mẹ, đặc biệt là ngày Tết được quây quần bên gia đình và nỗi niềm khi không được sum họp. Tôi tin, khi được giáo dục, truyền cảm hứng đúng với suy nghĩ của mình, nhiều em sẽ nhận thức được, từ đó sẽ phấn đấu trở thành những công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội..." - Cô giáo Nguyễn Lệ Thủy nói.

Thiếu tá Lưu Hồng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết: Hiện Trường Giáo dưỡng số 2 có 196 học sinh, ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18, đến từ các tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). Các hành vi, mức độ vi phạm đa dạng, phức tạp, như cướp của, giết người, mua bán sử dụng chất ma túy, ngược đãi cha mẹ... Hầu hết trình độ nhận thức của học sinh thấp, tỷ lệ học sinh mù chữ, bỏ học lâu ngày trước khi vào trường chiếm trên 90%; học sinh dân tộc chiếm trên 78%. Phần lớn học sinh mới vào trường có tư tưởng bỏ trốn, thích chơi bời lêu lổng, hoặc mang tâm lý tự ti, mặc cảm, gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục tại trường.

Tuy nhiên khi vào trường, các em được học tập và chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật nhà trường; được học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn, giảng dạy các hoạt động giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống để thay đổi bản thân, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Các em được đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ về ăn, mặc, ở, phòng bệnh, chữa bệnh, lao động, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; thăm gặp thân nhân; liên lạc bằng điện thoại với người thân... Qua khảo sát, có 65% học sinh ra trường hoàn lương, sống lương thiện và có công ăn việc làm ổn định.

Hằng năm, mỗi khi Tết đến, nhà trường luôn cố gắng tổ chức cho các em các hoạt động vui Xuân, đón Tết để các em vơi đi nỗi cô đơn, nhớ gia đình. Như tổ chức các hoạt động đón giao thừa, các trò chơi, giao lưu biểu diễn văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, các hội thi, cuộc thi rung chuông vàng... Cùng với đó, những bữa ăn ngày tết của các em cũng phong phú hơn với khẩu phần ăn được tăng lên và được các tổ chức, các nhân nhà hảo tâm tặng quà, tặng thực phẩm, đồ uống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các em, từ đó giúp các em không còn cảm thấy đơn độc, mạnh mẽ, tự tin vươn lên, thay đổi suy nghĩ, làm lại cuộc đời.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tet-yeu-thuong-tai-truong-giao-duong-so-2/d20230119003413238.htm