Tết về nhớ ngoại

Tôi trở về mảnh đất của ngoại một ngày giáp tết. Trên nền ngôi nhà ngói cũ giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà thờ khang trang. Lòng tôi chộn rộn những ký ức năm nào.

Ngôi nhà xưa của ngoại

Nắng đậu trên vai tôi. Tôi thấy ngoại ngồi hàng giờ tỉ mẩn chuốt sợi nắng ngoài hiên. Tóc ngoại phơ phơ bạc ánh lên trong nắng xuân. Càng gần ngày tết, ngoại càng ngóng con cháu đến thăm ngoại. Bác tôi là bộ đội công tác xa nhà, gia đình bác lại ở riêng, đón tết ngoài phố. Các bá, các dì lấy chồng thiên hạ. Chỉ duy nhất có mẹ tôi ở gần. Ngày nhỏ, tôi từng nghĩ phải chăng chị em tôi gần ngoại nên ngoại chẳng yêu quý chúng tôi như những đứa cháu ở xa. Có lẽ với một đứa trẻ suy nghĩ còn non nớt rất dễ nảy sinh lòng ghen tỵ khi thấy ngoại nhắc hoài các anh chị nhà bác, nhà bá, các em nhà dì, nhà cậu.

Ngoại thương con, nhớ cháu. Ngoại ngồi bần thần ngóng trông. Ngoại lần giở hầu bao đếm đếm. Người già ở quê thường có thói quen cất tiền rất kỹ. Ngoại nhẩm tính đồng này để dành cho thằng cháu đích tôn, đồng này cho thằng hai, đồng này cho thằng ba. Thằng út cho nó đồng to nhất, nó là thằng cháu khờ của ngoại. Bao nhiêu cái thương mênh mông của người già, ngoại đều muốn dành cho thằng nhỏ. Nó mồ côi cha khi mới lọt lòng. Nhắc tới nó, ngoại lại khóc.

Những chiều hiu hắt bên hiên nhà, ngoại vén mớ tóc bạc, ngó vào trong, thấy thằng con dại đang cười hềnh hệch, lòng ngoại buồn. Ngoại nói chẳng biết tao chết rồi, cậu bây còn sống nổi không? Ai chăm nó được? Ông cậu tôi tuy gần 50 tuổi nhưng do di chứng của vụ tai nạn giao thông mười năm trước vẫn hệt như một đứa trẻ. Ngoại nhìn nền gạch mốc trắng, thở dài...

Những ngày gần tết, cứ xâm xẩm tối, ngoại chống gậy qua sân hợp tác xã, qua những giậu râm bụt sang bên nhà tôi giục mẹ chuẩn bị tết. Nào là: “Mẹ mày ngâm gạo, ngâm đỗ chưa?”, “Mẹ mày mua lá dong ở đâu? Lá dong năm nay đắt, hôm rồi cái Tún mua phải toàn lá xấu”. Tết mới chớm mà ngoại đã lo tết năm sau có còn được đứng đây. Ngoại nói: "Tao có ra đồng, tụi bây nhớ cắm nén hương gọi tao về ăn tết sớm". Người già hay sợ, những nỗi sợ vu vơ mà đám con nít không muốn để vào tai. Ngoại ngồi ngoài sân, bỏm bẻm nhai trầu. Ngoại sợ thêm một tết nữa, đứa con đằng đẵng chục năm xa xứ không về rồi mấy đứa cháu trọ học xa nhà đi đường có bình an.

Hai mươi bảy tết của một mùa tết nào đó, tôi đón ngoại ở đầu làng. Ngoại đội nón, xách theo cái túi cói, vẫn chống gậy, men theo cầu kênh. Mẹ trách ngoại đi đâu chi cho nhọc, già rồi. Ngoại nói muốn đi chợ tết, mua quà cho mấy đứa cháu gái. Lâu lắm rồi kể từ khi cậu tôi nằm một chỗ, ngoại chỉ quanh quẩn ở nhà. Cứ hễ gặp ai đó là ngoại đứng chuyện trò cả buổi. Quà cho mấy đứa chúng tôi bao giờ cũng là bộ tam cúc. Trẻ con ở quê hồi xưa thích chơi tam cúc. Chúng tôi nhảy cẫng lên nhận quà của ngoại.

Có tiếng bác gái gọi tôi vào trong làm lễ. Mùi nhang khói phảng phất quanh ngôi nhà thờ gỗ. Tôi gặp nụ cười hiền từ của ngoại thưở nào. Đôi tay nhăn nheo đang chầm chậm rửa từng cái lá dong. Mẹ tôi đứng bên thềm giếng xóc gạo, xóc đỗ. Bố tôi ướp thịt rồi ngồi chẻ lạt bên cạnh ngoại. Căn nhà năm gian rộng thênh thang chỉ ngoại và cậu. Cậu không nói được nên lúc nào ngoại cũng muốn nhà đầy tiếng người. Ngoại muốn mấy đứa con cùng ngoại chuẩn bị tết, muốn mấy đứa cháu nô đùa bày bừa ra sân nhà ngoại. Chơi xong, ngoại dọn. Ngoại vẫn nói với chị em tôi như thế. Nghe tiếng đám trẻ nô đùa là ngoại vui rồi. Có lẽ ngoại không muốn những khoảnh khắc có tiếng con cháu cười nói qua nhanh. Ngoại khơi khơi đủ thứ chuyện từ chuyện xưa như trái đất đến chuyện năm nay làng ta ăn tết ra sao, nhà ai đậu lợn, hợp tác xã đã thông báo lịch gieo cấy vụ chiêm xuân chưa. Ngoại bảo đêm ba mươi tết mấy đứa chúng tôi đi xem pháo hoa ngoài phố huyện rồi về ngủ cùng ngoại. Sáng mồng một, ngoại dậy sớm chuẩn bị sẵn nồi thịt đông, bởi Ngoại biết mấy chị em tôi thích ăn nhất món thịt đông. Ba ngày tết cũng chỉ có chị em tôi quanh quẩn bên ngoại. Các con, các cháu đến thăm, chúc tết ngoại rồi lại đi.

Vấn vít mùi hương quế thơm lẫn mùi thơm của hoa ly, hoa cúc đặt trên ban thờ. Lòng tôi man mác. Tôi nhớ mùi ngai ngái của bùn đất bám trên áo ngoại, mùi nồng ẩm của rong rêu, của cỏ dại trên nền sân gạch nứt vỡ. Ngoại đã về với đất. Những mùa tết lại đi qua nhưng ở một góc nào đó của ký ức, tôi thấy mình vẫn là đứa bé con năm nào. Đứa bé ấy đang rúc nách ngoại, thủ thỉ với ngoại để ngoại đỡ buồn. Ngoại sẽ lại ngồi trên chiếc ghế con con, cười vui cả buổi, chuốt từng sợi nắng ngoài hiên...

ĐỖ NGỌC BÍCH

TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-ve-nho-ngoai-post727176.html