Tết Trung thu xưa không chỉ dành riêng cho trẻ

Trong đêm Trung thu, phụ nữ giúp nhau làm bánh, các loại bánh dưới hình thức các con, có những chiếc bánh trung thu to đẹp như mặt trăng...

Theo các nhà khảo cổ học,Tết Trung thu là lễ hội trăng rằm của người Việt xưa ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đó là lễ hội vào mùa thu, khi khí trời mát mẻ, người nông dân đang chờ đến ngày thu hoạch mùa màng nên tổ chức vui chơi dưới ánh trăng.

Nhưng hiện nay tết Trung thu đã dần mất đi tính nguyên bản của nó. Trẻ em xem tết trung thu cũng giống như bất kỳ một ngày lễ tết khác trong năm vì sẽ được đi chơi và được...tặng quà. Không còn sự háo hức đi phá cỗ, trông trăng và ...chơi trăng.

Tết Trung thu của người Việt xưa (ảnh tư liệu)

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Về sau người Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Trong khi tết Trung thu của người Việt đang bị mai một thì ở Hàn Quốc, Nhật Bản, hai đất nước phát triển hiện đại hàng đầu chấu Á lại giữ nguyên được ngày lễ này.

Tại đất nước này, Tết Trung thu được gọi Tết Chuseok – Lễ tạ ơn, là ngày lễ chính trong năm. Người dân xứ sở kim chi thường được nghỉ 3 ngày để chào đón và chuẩn bị cho ngày Tết Chuseok. Một loạt các sự kiện văn hóa lớn được tổ chức trong dịp này để người dân cùng khách tham quan có thế tham dự.

Nổi bật là chuỗi sự kiện tại Trung tâm toàn cầu Seoul với tên gọi “Lễ tạ ơn dành cho người Hàn Quốc và khách nước ngoài” với các buổi biểu diễn âm nhạc, võ thuật truyền thống của Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ sự kiện, du khách nước ngoài cũng có cơ hội trải nghiệm nghi lễ thờ cúng tổ tiên, viết thư pháp, mặc trang phục hanbok, chơi các trò chơi dân gian truyền thống của Hàn Quốc như kéo sợi hoặc Tuho.

Một điều đặc biệt là tết Trung thu của Hàn Quốc được tổ chức ở nông thôn. Trong những ngày rằm mùa thu, cả thành phố Seoul dường như vắng lặng vì tất cả mọi người lũ lượt kéo nhau về nông thôn để ăn tết. Họ xem đây là ngày hội truyền thống dòng họ và gia đình. Người giữ chức to đến mấy, tết Trung thu đều kéo về quê quỳ, lạy, chúc tụng người già rất long trọng. Người già cho tới trẻ nhỏ vui mừng ca hát nhảy múa thâu đêm.

Trẻ em xưa háo hức mỗi khi Tết Trung thu đến (ảnh tư liệu)

Giáo sư Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết, trong dịp sang Hàn Quốc nghiên cứu thì thấy tết Trung thu ở đất nước xứ kim chi này được tổ chức lớn nhất, rầm rộ nhất và kéo dài nhiều ngày nhất. Tết Nguyên đán của họ chỉ tổ chức 1 ngày nhưng tết Trung thu kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần.

Còn Trung thu của người Việt xưa chính là ngày hội của nhân dân vào mùa thu, ngày trăng sáng nhất trong năm. Vào đêm trăng, dân làng tụ tập cùng nhau ngắm trăng, nhìn mặt trăng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, cùng nhau bàn bạc chuyện làm ăn, chung tay góp sức chống hạn, chống lũ...

Tết Trung thu ở Hàn Quốc còn được gọi là Tết Chuseok - lễ tạ ơn, ngày tết chính trong năm.

Trong đêm đó, phụ nữ giúp nhau làm bánh, các loại bánh dưới hình thức các con, có những chiếc bánh trung thu to đẹp như mặt trăng. Cũng trong đêm đó họ tổ chức hát tuồng, hát chèo. Chỗ này múa đèn trống quân. Chỗ kia là trẻ được vui chơi, được ăn bánh kẹo…

Cũng theo GS Hoàng Chương, xã hội dần chuyển sang công nghiệp hóa hiện đại hóa vì thế nhu cầu để ngắm trăng, để bàn chuyện mùa màng không còn nên chỉ còn lại niềm vui của bọn trẻ. Vì thế dần dần chúng ta đã biến tết Trung thu là tết của toàn dân thành tết cho trẻ em.

Việc kế thừa này là phù hợp với xu thế phát triển tuy nhiên cái ý nghĩa về tinh thần thì bị mai một đi. Ý nghĩa tinh thần đối với trẻ không chỉ là được ăn, được phát quà mà niềm vui lớn nhất đối với trẻ là được vui chơi.

Ngân Khánh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tet-trung-thu-xua-khong-chi-danh-rieng-cho-tre-20160914164049673.htm