Tết thiếu tiếng cười vì có những nỗi buồn trên quê hương

Tôi sinh ra ở nông thôn. Mẹ tôi là nông dân ở một vùng quê Bắc bộ nghèo. Tết đến chỉ là một dịp lễ để gia đình tôi ngơi việc đồng để làm việc nhà.

Ở quê tôi, tết được coi là dịp nặng gánh lo toan. Tết đến chỉ toàn là tiếng thở than, một thoáng nhìn lại năm qua đã khó khăn thăng trầm đến nhường nào. Thời gian chưa bao giờ ngừng chảy trôi, cuộc đời chưa bao giờ ngừng thay đổi. Trong mắt một đứa trẻ như tôi, mỗi năm lớn thêm một tuổi, mỗi năm lì xì nhiều thêm, mỗi năm may bao quần áo mới, ấy là sự thay đổi tết xưa - tết nay. Nhưng trong nếp nghĩ của mẹ tôi, tết bao năm qua chẳng thay màu đổi vị.

Người làng quê ngại thay đổi và sợ phải thích nghi với cái mới. Chính vì vậy mà bao năm qua, tết vẫn luôn êm đềm trôi qua giống nhau từ năm này qua năm khác.

Người làng tôi không xem “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Khoảng thời gian trước tết, tức tháng Chạp, họ đã phải nai lưng với công việc đồng áng. Lập xuân đến cũng là lúc người nông dân phải ngâm thóc giống để gieo mạ ngoài đồng. Một số khác thì gieo mạ sân. Một nét đặc trưng ở thôn quê ngày tết là vào nhà ai cũng thấy một góc sân rộng phủ kín bạt để che mạ sân gieo dưới bùn.

Tôi nhớ cái tết miền Bắc năm 2020 - được mệnh danh là năm “vừa ăn tết vừa nhặt đá rơi”. Mưa đá xối xả. Ngập lụt dài ngày. Ra ngoài đồng, tôi chứng kiến bao gương mặt trĩu nặng nhìn thửa ruộng ngập úng, tôi xót xa trước bao tấm lưng cong cong đang quơ chiếc gàu tát nước.

Cả một cánh đồng xanh đã hóa biển nước mênh mông. Năm đó, tết vắng tiếng cười vì một mùa mất trắng. Tôi nhớ bóng dáng bố tôi chân tay lấm láp vì chiều mùng 2 Tết phải ra thăm đồng. Ngày tôi lên thành phố vào mùng 3 Tết đã thấy thấp thoáng bóng dáng người gánh mạ ra đồng để cấy. Người nông dân chỉ có mỗi thửa ruộng để trông cậy vào, họ chỉ sợ tết đến sẽ khiến nhịp lao động bị ngưng trệ. Tết nay hay tết xưa cũng đều là mùa vụ - mùa vất vả của bà con.

Sống ở nông thôn đã nuôi dưỡng trong tôi một hộc tủ ký ức về ngày tết quê mình. Ngày tết ở làng quê vẫn luôn đậm đà, nguyên vẹn. Có một niềm tin trong tôi rằng: Dù xã hội có thay đổi hiện đại ra sao thì ở nông thôn, cái tết vẫn giữ nguyên nét truyền thống.

Bọn trẻ con đã nôn nao mong chờ ngày nghỉ tết từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo chầu trời). Tết năm nay thật may mắn khi tôi được nghỉ vào đúng ngày này. Mẹ tôi dậy sớm để làm đồ cúng như: thổi xôi, nấu chè đỗ… Bà tôi đi chợ mua cá chép vàng để thả tại ao đình làng. Bà tôi gọi ngày này là ngày “tảo điện” - tức lau dọn bàn thờ tổ tiên. Bố tôi thay bát hương mới. Tôi hóa vàng, đốt chân que nhang.

Sau đó, tôi cùng bố chuẩn bị một mâm cơm cúng trên bàn thờ tiễn ông Táo về trời báo cáo chuyện gia đình trong một năm qua. Ngày thường, gia đình tôi tất bật với guồng xoáy công việc, nhưng ngày lễ với gia tiên được quan tâm hàng đầu thể hiện lòng thành kính, biết ơn. Chúng tôi là những đứa trẻ quê nghèo được nuôi dưỡng bằng suối nguồn của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Tết đến là dịp để mỗi người trẻ chúng tôi được bố mẹ dạy về “chữ hiếu”, “đạo con”.

Chợ phiên ngày 30 Tết

Chợ quê xưa nay luôn làm mỗi người xa nhà như tôi xuyến xao. Khi sống trên thành phố, mỗi lúc nhớ nhà, tôi thường chạy ra chợ để tìm lại cái hương vị ồn ào mà giản dị ấy. Chợ cuối năm đầy ắp những hàng bán lá dong, ống giang để gói bánh chưng. Hàng hoa đầu chợ tấp nập người mua như hoa cúc, hoa ly… để cúng trên bàn thờ. Dọc hai ven đường là hàng cây cảnh như: hoa đào, cây quất, hoa lan, những cành tuyết mai còn chưa hé nụ.

Sắc xuân đang ngập khắp đất trời nhưng tôi lại thấy những ánh mắt quặn nỗi âu lo của kẻ bán người buôn. Cũng như người làng tôi quanh năm gắn với thửa ruộng, người bán hoa thì chỉ có dịp tết đến để nương nhờ vào mấy chậu cảnh mới có tiền về lo cho gia đình một cái tết ấm no. Nhưng hoa chưa bán hết thì tết chẳng đủ đầy. Tôi nghĩ, ngày tết thiếu niềm vui với những người mưu sinh.

Nếu quanh năm chỉ vui ba ngày tết thì niềm vui đó chỉ là sự gắng gượng cho những nỗi buồn luôn đặc quánh trong cuộc sống mỗi người. Người quê tôi chỉ cầu mong cuộc sống đủ đầy: một năm mưa thuận gió hòa để được ăn no, mặc ấm thay vì ăn ngon, mặc đẹp. Tôi cũng chỉ mong “một năm mới bình an”.

NGUYỄN THỊ BÍCH DIỆP

Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-thieu-tieng-cuoi-vi-co-nhung-noi-buon-tren-que-huong-post726814.html