Tết tây, Tết ta

Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm Dương lịch. Mai là Tết tây ở ta. Bạn bè ở trời Tây háo hức đếm ngược chờ giao thừa, chúc nhau đủ kiểu. Sống đâu theo đó. Được nghỉ làm, ăn uống, vui chơi bên gia đình người thân là ngon rồi. Cũng chúc mừng, cũng hy vọng một năm mới sáng sủa, tươi đẹp và thành công hơn. Tôi chưa được ăn cái Tết tây ở trời Tây lần nào, chỉ nghe bạn bè nói lại. Chỉ là nhớ chút chuyện ở thành phố ăn Tết tây, Tết ta mà góp chút chuyện cho vui thôi.

Trước đây, dân theo Tây chơi nguyên một... mùa! Kéo dài từ Noel cho tới Tết tây. Cái hay của Tết tây là ăn theo được cái không khí tưng bừng của Giáng sinh. Giới trẻ thành phố là những người hưởng ứng nhiệt tình nhất. Có đạo hay không có đạo, Giáng sinh vẫn là cơ hội để ăn mặc đẹp, để tham gia ăn uống, nhảy nhót, và nhất là có cơ hội để bày tỏ tình cảm yêu đương với nhau. Người lớn thì điềm tĩnh hơn, họ đón Tết tây như một dấu hiệu báo hết một năm, và hy vọng năm mới làm ăn sẽ khá hơn. Còn trẻ con thì vui vẻ vì được nghỉ học ít nhất 1 ngày, rồi thôi!

Tới Tết ta, Tết Nguyên đán thì khác. Hoàn toàn khác. Ngày tết mang nhiều ý nghĩa trọng đại.

Từ người già tới đứa con nít, ngày tết cổ truyền thiêng liêng lắm, là ngày đoàn tụ của gia đình. Ai có quê thì về quê. Xa mấy cũng về, trừ trường hợp bất khả kháng thì luôn xem là bị thiệt thòi, là day dứt, là buồn đứt ruột! Không phải chỉ có người sống sum họp, mà cả với người đã khuất. Bàn thờ được lau chùi sạch sẽ để đón ông bà về ăn tết. Tết chính thức chỉ có 3 ngày, nhưng chuẩn bị tết thì trước cả tháng. Từ thành thị tới thôn quê, nhà nhà trang hoàng nhà cửa, gói bánh, làm mứt, dự trữ thức ăn cho mấy ngày khỏi nấu nướng. Ăn tết mà. Có bài bản, có lớp lang hẳn hoi! Ngày tất niên làm mâm cơm cúng ông bà, con cháu tụ họp.

Tối giao thừa cúng tiễn năm cũ, đón năm mới. “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Lễ nghĩa đặt lên hàng đầu. Tính giáo dục và văn hóa của một dân tộc thể hiện rất rõ trong 3 ngày tết. Mọi hiềm khích, ganh ghét, thậm chí hận thù cũng được bỏ lại cho năm cũ. Người ta tha thứ, cảm thông, gần gũi, yêu thương nhau hơn nhờ tết. Người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt lành nhất trong ngày đầu năm, và luôn mong những điều đó sẽ đến trong năm mới. Tôi tin vào điều này, như tin vào cái hạnh phúc của tuổi thơ mình ngày tết. Mọi lỗi lầm được bỏ qua, được mặc quần áo mới, được tiền lì xì, được ăn uống đủ thứ và nhất là được rong chơi thoải mái mà không hề bị la rầy. Một đứa trẻ lớn lên mà thiếu những ngày tết, cuộc đời nó chắc chắn bị hụt hẫng nhiều điều!

Còn nhiều, nhiều lắm, không kể hết được. Tết ăn sâu vào tiềm thức. Tết giống như một thứ tình yêu chung thủy. Quanh năm suốt tháng quần quật với lo toan, không có mấy ngày tết thì cuộc sống tẻ nhạt, vô vị và đáng chán biết chừng nào.

NGÔ ĐÌNH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-tay-tet-ta-post720728.html