Tết của y, bác sĩ trực cấp cứu: Bệnh nhân hồi phục là quà 'lì xì' ý nghĩa nhất

Tết đến xuân về là thời điểm để các gia đình sum vầy, mong cầu cho một năm mới yên bình, nhiều may mắn. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, nhiều y, bác sĩ cấp cứu vẫn phải căng mình làm việc xuyên Tết. Dù có chút chạnh lòng vì không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình nhưng đối với họ, bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe là món quà 'lì xì' đầu năm ý nghĩa nhất đối với họ.

Tại các bệnh viện, nhất là những bệnh viện tuyến cuối, dường như Tết là thời điểm các y, bác sĩ bận rộn và chịu áp lực nhất. Có cơ hội gặp và trò chuyện với Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) mới hiểu hết công việc, cũng như cảm xúc của chị khi nói về chuyện trực Tết.

Tết Giáp Thìn là năm thứ 15, bác sĩ Kiều có lịch trực Tết trong bệnh viện. Đó là vào ngày 28, 29 và mùng 1 Tết Âm lịch. Vị bác sĩ này cho biết khi đã chọn nghề y, hiếm có bác sĩ nào không một lần làm việc xuyên Tết Nguyên Đán. Với các bác sĩ trực Tết, chuyện ‘lỗi hẹn’ giao thừa vì cứu bệnh nhân không còn xa lạ, nhất là bác sĩ trực cấp cứu. Có những ca cấp cứu, khi bác sĩ xong việc, ngước mắt lên nhìn đồng hồ đã qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Cũng như mọi năm, từ đêm 30 đến mùng 7 Tết Âm lịch, các y, bác sĩ của bệnh viện luôn sẵn sàng cấp cứu và túc trực 24/24 giờ.

Dù là ngày Tết nhưng cường độ làm việc của bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, vẫn căng thẳng như những ngày thường. Ảnh: Minh Thảo

Nói về khối lượng công việc trong những ngày trực Tết, Phó trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay công việc của bác sĩ cấp cứu sẽ áp lực hơn so với các khoa khác trong nội viện. Đối với một ngày bình thường, công việc đã vô cùng căng thẳng. Còn trong dịp Tết, áp lực công việc càng nặng nề hơn. Đa số các ca cấp cứu ngày Tết là những trường hợp nặng, không hề lường trước được. Những trường hợp cấp cứu thường liên quan đến tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt…

Là một trong những bệnh viện phát triển mạnh với mảng ngoại thần kinh ở trẻ em, tỷ lệ bệnh nhi liên quan đến chấn thương đầu từ các tỉnh miền Tây đến Đông Nam Bộ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 rất nhiều. Bởi những trẻ nhỏ bị té thường liên quan đến chấn thương sọ não. Vì vậy, đây cũng là một trong những áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ của khoa cấp cứu trong những ngày trực Tết, bác sĩ Kiều cho biết thêm.

Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ, bác sĩ Kiều cho biết vào mùng 1 Tết của năm 2023, có một bệnh nhi bị tai nạn pháo nổ, chấn thương nhãn cầu. Các bác sĩ của khoa phối hợp với đội cấp cứu vận chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Mắt TPHCM để cứu nhãn cầu. “Cứ nghĩ đường phố luôn vắng vẻ trong những ngày nghỉ Tết. Thế nhưng, không ngờ ngày đó bị kẹt xe. Khi ngồi trên xe cấp cứu, tôi vô cùng sốt ruột, mong muốn vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nhanh chóng hơn”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Những ngày Tết, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2 càng trở nên bận rộn hơn. Ảnh: Minh Thảo

26 năm công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng là ngần ấy năm chị Lê Thị Hồng Điệp, hiện là điều dưỡng trưởng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 đón Tết trong bệnh viện. Tùy theo lịch trực của từng năm, có những năm trực vào thời điểm giao thừa hoặc mùng 1, 2, 3 Tết Âm lịch.

Theo chị Điệp, các điều dưỡng, bác sĩ trực cấp cứu luôn phải chịu những áp lực rất lớn, trước hết là áp lực về chuyên môn. Bên cạnh đó nhân viên y tế cũng chịu áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân.

“Có những bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng phụ huynh lại có những lời nói, hành động không đúng mực. Vì đã làm lâu năm, các nhân viên y tế đều hiểu được cảm giác ‘cha mẹ nào cũng xót con’ nên ai cũng thông cảm. Ngoài ra, khi bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, phụ huynh bình tâm lại, viết thư cám ơn, cũng như nói lời xin lỗi. Đó là nguồn động lực tinh thần để các nhân viên y tế vượt qua”, chị Điệp bày tỏ.

Cũng làm nhiệm vụ trực Tết giống như các y, bác sĩ khác nhưng đây là lần đầu tiên bác sĩ trẻ Nguyễn Võ Thanh Thiện đón giao thừa tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2.

Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, bác sĩ Thiện cho biết: “Dù lúc đầu có cảm giác buồn, hụt hẫng và nhớ nhà nhưng tôi đã xác định rằng khi làm trong ngành y tế, việc đi trực là trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của không chỉ riêng bản thân mà còn của tất cả các bác sĩ khác”.

Do đó, bác sĩ trẻ này cho rằng việc trực vào những ngày Tết; đặc biệt là đêm giao thừa cũng là một trải nghiệm thú vị khi bước chân vào nghề y. Bên cạnh đó, sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện và đội ngũ y, bác sĩ cũng khiến anh cảm thấy vui vẻ, ấm áp và vơi bớt cảm giác nhớ nhà.

Điều dưỡng Lê Thị Hồng Điệp chăm sóc cho một bệnh nhi tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Minh Thảo

Dù có một chút chạnh lòng vì không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình nhưng với bác sĩ Kiều, điều dưỡng Điệp và các nhân viên y tế khác, điều tuyệt vời nhất trong những ngày trực Tết ở bệnh viện chính là tình cảm chân thành của các đồng nghiệp; đặc biệt khi thấy sức khỏe, tình trạng bệnh nhân sớm bình phục để trở về cùng gia đình là món quà ‘lì xì’ đầu năm vô cùng ý nghĩa.

“Tết Giáp Thìn này mong số bệnh nhi nhập viện cấp cứu giảm dần. Điều này cũng đồng nghĩa rằng mùa xuân an lành đến với mọi nhà trong những ngày đầu năm mới. Hoặc nếu nhập viện, bệnh nhân sẽ vượt qua được cơn nguy kịch, sớm hồi phục để về nhà sum vầy với gia đình”, điều dưỡng Điệp chia sẻ thêm.

Minh Thảo

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tet-cua-y-bac-si-truc-cap-cuu-benh-nhan-hoi-phuc-la-qua-li-xi-y-nghia-nhat/