Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông ở Lóng Luông

Thời điểm hoa mận, hoa đào bắt đầu bung nở trên các sườn đồi, dưới thung lũng, khắp các bản làng cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ rộn ràng chuẩn bị đón tết cổ truyền với hy vọng năm mới ấm no, hạnh phúc.

Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông được bắt đầu từ mồng 1 tháng 12 âm lịch và ngày cuối cùng của tháng 11 âm lịch được coi là ngày cuối cùng của năm. Những ngày cuối năm, bà con đồng bào dân tộc Mông tranh thủ làm nốt những công việc còn dang dở, dành thời gian để dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ để đón tết.

Các thành viên trong gia đình ở bản Co Chàm, xã Lóng Luông cùng nhau làm bánh dày

Và đặc biệt, Tết Nguyên đán có bánh chưng, thì Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông không thể thiếu bánh dày. Không khí làm bánh dày thật sôi nổi, người chuẩn bị lá, người chuẩn bị gạo, đặc biệt là tiếng giã bánh thậm thịch rộn ràng khắp các nếp nhà. Bánh dày được làm từ gạo nếp đồ lên, sau đó đem đi giã. Sau khi giã, bánh được nặn thành hình tròn, dẹt (tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất) và được bọc bên ngoài bằng lớp lá chuối. Bánh thành phẩm sẽ được chủ nhà đem đi cúng tổ tiên.

Phụ nữ người Mông gói bánh dày sau khi giã

Vào buổi chiều cuối năm, người đàn ông trong gia đình là người phụ trách công việc dọn bàn thờ, họ sẽ tự tay cắt giấy dó tạo ra những họa tiết răng cưa để thay giấy cũ trên bàn thờ. Lễ cúng của đồng bào dân tộc Mông mang đậm tín ngưỡng riêng. Gia chủ cúng bằng gà sống sau đó lấy ba túm lông cổ của con gà rồi chấm vào tiết của chính nó để gắn lên giấy dó ban thờ. Gia chủ thực hiện lễ khấn, vừa khấn vừa tung chiếc sừng trâu được tách đôi, đến khi hai phần của chiếc sừng cùng úp xuống là hoàn thành, điều này tượng trưng cho tổ tiên đã ghi nhận tấm lòng của gia chủ. Gà sau đó lại được mang đi luộc chín làm lễ cúng mời tổ tiên là hoàn thành thủ tục. Khi đó, gia chủ sẽ dán giấy dó vào các công cụ lao động sản xuất trong nhà, như: Cuốc, dao, liềm,… Đồng bào dân tộc Mông quan niệm rằng, ngày tết thì những công cụ cũng phải được nghỉ ngơi sau một năm làm việc, việc dán giấy dó thể hiện lòng biết ơn đối với những công cụ đã hỗ trợ họ làm việc.

Chủ nhà làm lễ cúng tổ tiên

Vào đêm giao thừa, người đàn ông trong gia đình sẽ thức đến sáng và là người dậy sớm nhất nhà để làm mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò,… Trong ngày mùng một Tết, bà con người Mông kiêng không gọi nhau dậy vào buổi sáng, kiêng ăn rau, kiêng đổ nước ra nhà,…

Chủ nhà dán giấy dó vào các công cụ lao động sản xuất

Bên bếp lửa hồng, ông Sồng A Dành, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, chia sẻ: Tết cổ truyền của đồng bào Mông mang bản sắc riêng, độc đáo. Chúng tôi luôn trân trọng và gìn giữ những nét đẹp văn hóa, được truyền từ đời này qua đời khác, tránh để mai một. Có việc đi tết là có sự thay đổi, trước kia, khi đi tết họ hàng thì chúng tôi không mang thứ gì. Nhưng nay, cuộc sống bà con đủ đầy khấm khá hơn, nên chúng tôi sẽ đem theo bánh, giỏ quà để đi chúc tết các gia đình.

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Món ăn tinh thần không thể thiếu. Ngày Tết, ai cũng xúng xính bộ trang phục truyền thống của dân tộc vừa được thêu mới. Vào những ngày tết, ở Lóng Luông sẽ diễn ra một số hoạt động như múa hát, thổi khèn và chơi những trò chơi dân gian như đánh tu lu, ném pao,.. Bên cạnh đó còn chơi các môn thể thao hiện đại, tạo không khí vui tươi, đoàn kết.

Chị em dân tộc Mông mặc trang phục truyền thống đi chúc tết

Ông Mùa A Tành, công chức văn hóa xã Lóng Luông chia sẻ: Hiện nay, bà con dân tộc Mông ở xã thường ăn tết đến hết ngày mùng 3. Cỗ bàn ngày nay có phần khác trước do đời sống của người dân đầy đủ hơn. Trước kia chủ yếu chỉ có thịt lợn, thịt gà nhưng bây giờ có nhiều món hơn. Phong tục uống rượu cũng khác, người dân uống ít hơn bởi ai cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Dịp này, một số bản trong xã có tổ chức các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian.

Người dân bản xã Lóng Luông tổ chức thi đấu bóng đá dịp Tết

Đồng bào dân tộc Mông ở Lóng Luông chiếm gần 90% dân số ở xã. Nét văn hóa dân tộc nơi đây vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Những ngày tết, các gia đình thường mời anh em, bạn bè gần xa và cả khách đến chung vui. Trải nghiệm văn hóa đón tết cổ truyền dân tộc Mông và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn hoa mận, hoa đào ở xã Lóng Luông là địa chỉ thú vị cho du khách trong dịp tết đến xuân về.

Phạm Hoa (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/tet-co-truyen-cua-dong-bao-dan-toc-mong-o-long-luong-Bu2BKVcIg.html