Tết Âm lịch, người lao động được nhận những khoản tiền nào?

Theo quy định pháp luật, Tết Âm lịch là một trong những dịp người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương. Vậy trước khi nghỉ Tết, người lao động có thể được nhận những khoản tiền gì từ doanh nghiệp hay tổ chức công đoàn?

Dịp Tết Âm lịch, người lao động được nhận khoản tiền hỗ trợ từ công đoàn. Ảnh: Thu Cúc

Tiền chăm lo Tết từ công đoàn

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thăm hỏi người lao động của 63 tỉnh, thành phố với trên 19.000 phần quà, bao gồm tiền mặt và lương thực, sản phẩm thiết yếu.

Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dành một khoản để chăm lo Tết cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà khoảng 500.000 đồng.

Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực cũng như kết dư từ các năm trước, tính toán phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên người lao động tại đơn vị mình để chăm lo Tết cho người lao động.

Tiền thưởng Tết Âm lịch

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiền thưởng Tết. Do đó, việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Có những doanh nghiệp sẽ thưởng Tết cho người lao động bằng chính những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Ảnh minh họa từ ITN

Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật thì việc thưởng cho người lao động không phải là yêu cầu bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Bởi quyết định thưởng hoặc không thưởng cho nhân viên phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp và công sức đóng góp của người lao động.

Chẳng hạn như, nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt thì có thể trao thưởng cho người lao động. Ngược lại, nếu kết quả kinh doanh không khả quan thì doanh nghiệp có thể thưởng ít hoặc thậm chí là không thưởng cho người lao động nếu làm ăn thua lỗ.

Ngoài ra, hình thức thưởng Tết cho người lao động sẽ tùy thuộc vào văn hóa cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, bao gồm thưởng bằng tiền hoặc hiện vật.

Số liệu tổng hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 47.000 doanh nghiệp đang sử dụng gần 5 triệu lao động có báo cáo về lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 (chiếm hơn 17% số lao động khu vực chính thức).

Với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, bình quân doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động gần 7 triệu đồng/người.

Tiền lương làm thêm giờ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động được nghỉ 5 ngày và hưởng nguyên lương trong dịp Tết Âm lịch. Nhưng do nhu cầu công việc, doanh nghiệp có thể chủ động đề nghị người lao động đi làm vào những dịp nghỉ lễ, Tết. Trường hợp này sẽ được tính là làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động đi làm vào dịp Tết Nguyên đán nếu được sự đồng ý của người lao động.

Khi đồng ý đi làm thêm giờ vào dịp Tết, người lao động sẽ được tính lương làm thêm theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

- Khi làm việc vào ban ngày của dịp Tết Âm lịch: Tính thêm 300% lương của ngày làm việc bình thường.

- Khi làm việc vào ban đêm của dịp Tết Âm lịch: Tính thêm 390% lương của ngày làm việc bình thường. Trong đó, giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tet-am-lich-nguoi-lao-dong-duoc-nhan-nhung-khoan-tien-nao-179240117174158561.htm