Tên lửa không đối không Meteor vì sao được gọi là 'độc nhất vô nhị' trên thế giới

Tên lửa không đối không Meteor được nhận xét sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật ưu việt, vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh.

Tên lửa không đối không Meteor được Tập đoàn MBDA phát triển cho tiêm kích Eurofighter Typhoon, Gripen và Rafale. Loại đạn này được thiết kế để tấn công các mục tiêu cơ động ở tầm xa.

Điều đáng chú ý là quá trình tạo ra Meteor đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Sự phát triển vì lợi ích của Lực lượng Không quân Pháp, Anh, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha và Ý bắt đầu vào năm 1994.

Tuy nhiên loại đạn không chiến này chỉ được đưa vào sử dụng trong Không quân Thụy Điển từ năm 2013. Mặc dù vậy khi xem xét kết quả, rõ ràng là nó xứng đáng để chờ đợi lâu như vậy.

Ban đầu, tên lửa được mang độc quyền bởi tiêm kích Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Việc sửa đổi nó để chiến đấu cơ Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon có thể sử dụng bắt đầu muộn hơn.

Về loại đạn đặc biệt này, cần bắt đầu với việc Meteor nhận được động cơ ramjet, mang lại tốc độ và khả năng cơ động cao. Đặc điểm chi tiết của động cơ chưa được tiết lộ, nhưng theo nhà phát triển, chính động cơ đã giúp tăng cự ly tác chiến.

Khi đối đầu tên lửa Meteor, cơ hội để máy bay địch trốn thoát có xu hướng bằng 0, khi vùng không thể thoát hiểm lên tới 60 km, gấp đôi so với những tên lửa hiện có do Mỹ hay Nga sản xuất.

Được biết tên lửa có tầm phóng lên tới 200 - 300 km và có thể bắn trúng các mục tiêu cơ động với khả năng chịu quá tải lên đến 11G. Đồng thời tốc độ của Meteor ở giai đoạn tấn công mục tiêu có thể lên tới Mach 4.

Tên lửa không đối không MBDA Meteor có đầu dẫn radar chủ động nhưng cũng có thể nhận chỉ định mục tiêu từ các nguồn khác và hoạt động trong điều kiện tác chiến điện tử dày đặc. Quả đạn có trọng lượng 190 kg, với chiều dài 3,67 mét.

Điều đáng chú ý ở chỗ Meteor được coi là một trong những tên lửa không đối không hiệu quả nhất. Như các nhà phát triển đã nói, không có sản phẩm nào giống như vậy được sản xuất hàng loạt ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Nói chung đây là một vũ khí sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật vô cùng ấn tượng, bảo đảm khả năng giành chiến thắng cho chiến đấu cơ mang nó theo để thực hiện những trận không chiến.

Tuy nhiên loại đạn này cũng có một số nhược điểm. Đặc biệt là tín hiệu nhiệt cao do động cơ mạnh khiến nó dễ bị phát hiện và giá thành đắt (trung bình khoảng 2 triệu USD mỗi quả).

Mặc dù vậy, bất chấp những nhược điểm nêu trên, tên lửa không đối không Meteor vẫn có nhu cầu rất lớn. Hơn nữa, không chỉ ở những quốc gia có lợi ích ban đầu mà nó được phát triển.

Theo một số thông tin, Brazil đã trả 200 triệu USD để mua 100 quả Meteor trang bị cho tiêm kích JAS 39 Gripen của mình, trong khi Mỹ mua những tên lửa này với giá 1 triệu USD mỗi quả, rẻ một nửa do đơn đặt hàng của họ lên tới 6.500 quả.

Các quốc gia khác như Ấn Độ cũng mua tên lửa không đối không MBDA Meteor nhưng với khối lượng ít hơn nhiều và do vậy giá thành bị đẩy lên mức cao hơn khá nhiều lần so với mức tiêu chuẩn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-khong-doi-khong-meteor-vi-sao-duoc-goi-la-doc-nhat-vo-nhi-tren-the-gioi-post572891.antd