Tàu vỏ thép Nghị định 67: Nơi ngao ngán đậu bờ, nơi chạy 'ngon lành'

8 chuyến ra khơi có 7 lần hư hỏng là tình cảnh của con tàu vỏ thép do ngư dân Võ Văn Hân (Quảng Ngãi) làm chủ sở hữu. Việc máy móc thường xuyên hư hỏng, thân tàu bị nước biển ăn mòn quá nhanh khiến nhiều ngư dân ngao ngán chỉ biết nhìn những chiếc tàu vỏ thép tiền tỉ đậu bờ. Trong khi đó, ghi nhận tại TP.Đà Nẵng, 2 trong số 4 chiếc tàu vỏ thép được hạ thủy theo Nghị định 67 trong hơn 1 năm lại đang chạy “ngon lành”. Đặc biệt, những con tàu này đã được ngư dân tự thiết kế, chấp nhận bỏ chi phí cao đầu tư.

Nhiều tàu vỏ thép như gia đình ngư dân Võ Văn Hân đang chịu cảnh đậu bờ vì hư hỏng. Ảnh: TRẦN HÓA

8 chuyến ra khơi, 7 lần hư hỏng

Sáng 25.5, tại cảng Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNg 90999-TS của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vẫn đang nằm bờ chưa biết ngày ra khơi.

Chiếc tàu vỏ thép này do Cty TNHH một thành viên đóng tàu Bạch Đằng (TP.Hải Phòng) đóng. Có chiều dài hơn 27m, thân tàu rộng 7m với công suất 811CV, tàu được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại của Nhật Bản, chuyên hành nghề lưới rê. Tổng kinh phí đóng tàu lên tới hơn 14 tỉ đồng.

Ngồi trước mui tàu, ông Hân buồn bã kể, “Tính từ khi hạ thủy đến nay, tôi đã có 8 chuyến vươn khơi thì có đến 7 lần hư hỏng, nên chuyến nào cũng thua lỗ. Các hư hỏng thường gặp là máy bơm thủy lực, cháy dây curoa, phần boong tàu bị gỉ sét… Nếu hư hỏng nhẹ thì mình tự mình khắc phục, còn nặng thì đành tháo rời gửi tàu bạn mang vào đất liền sửa chữa rồi chuyển ngược ra lại, tốn thời gian lắm, sản lượng khai thác tụt
giảm hẳn”.

Việc vỏ tàu thép ra khơi dài ngày bị gỉ là chuyện bình thường, điều đáng nói là chỉ trong một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xảy ra gỉ sét (chủ yếu bị gỉ trên boong tàu) khiến các chủ tàu sắt như ông Hân khó khăn đủ đường. Chỉ tính riêng dịp tết vừa rồi, tiền thuê thợ từ Nghệ An vào sơn lại tàu cũng đã tốn hàng chục triệu đồng.

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 42 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 10 tàu vỏ thép, 32 tàu vỏ gỗ. 10 tàu vỏ thép có 3 tàu dịch vụ hậu cần, 7 tàu khai thác. Theo ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi - trong 7 tàu khai thác thì có 3 tàu hay bị trục trặc trong quá trình đánh bắt ở ngoài khơi. Riêng tàu ông Hân bị nặng nhất, nhà máy đóng tàu đã vào khắc phục nhiều lần. Sở NNPTNT, UBND huyện Bình Sơn và Ngân hàng Công Thương đã làm việc với ông Hân và đi đến thống nhất cho ông Hân tự sửa, sau đó báo cáo lại sở để được nhận lại tiền hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa của Nhà nước.

Ngư dân tự thiết kế, tàu chạy hiệu quả

Trái ngược với tình cảnh của ông Hân và nhiều ngư dân ở Quảng Nam, Bình Định đang phải neo tàu vỏ thép tiền tỉ đậu bờ thì 2 trong số 4 chiếc tàu vỏ thép tại TP.Đà Nẵng lại đang chạy “ngon lành”. Điều tạo nên sự khác biệt ở đây là những chiếc tàu này do chính những người ngư dân ra tay thiết kế.

Gặp chị Hương - vợ của ngư dân Nguyễn Sương, người đang sở hữu tàu ĐNa 90767-TS, chiếc tàu vỏ thép thứ 2 tại Đà Nẵng được đóng theo Nghị định 67, chị Hương cho hay, sau 1 năm hạ thủy, con tàu hoạt động rất tốt. Tàu thép hơn hẳn con tàu gỗ bởi với con tàu gỗ nếu xảy ra va chạm sẽ nguy hiểm cao. Tàu sắt không vào nước, chịu sóng gió tốt hơn.

Thế nhưng để có được những hiệu quả đó, chị Hương cho biết, gia đình chị đặc biệt là anh Nguyễn Sương đã phải nghiên cứu rất kỹ trong 2 năm, mất thêm 1 năm đóng tàu mới hoàn thành. “Thay vì lấy nguyên mẫu thiết kế của Nhà nước, chúng tôi tự bỏ chi phí ra để thuê người thiết kế. Bởi chỉ có người làm biển mới hiểu chiếc tàu mình hành nghề cần gì, phải đóng ra sao, phải đảm bảo những điều kiện như thế nào” - chị Hương chia sẻ.

Đóng tàu gỗ thì dễ, nhưng đóng tàu sắt thì lần đầu tiên nên anh Sương đã phải lặn lội ra ĐH Hảng Hải (Hải Phòng) để tham khảo ý kiến của các giáo sư đầu ngành về thiết kế đóng tàu. Anh Sương trình bày ý tưởng để họ vẽ ra, đối chiếu với thiết kế của Nhà nước xem những cái nào sửa trên chiếc tàu. Có thiết kế rồi, anh Sương tiếp tục lựa chọn nhà máy đóng tàu và túc trực 1 năm tại đây. Đặc biệt, ngoại trừ thép là được cơ quan đăng kiểm duyệt chọn thì tất cả đều do anh Sương quyết định, nhà máy chỉ có làm theo. Để con tàu chất lượng, anh Sương còn thuê giám sát riêng để kiểm tra mối hàn, việc phun sơn.

Chia sẻ về những thông tin việc nhiều tàu vỏ thép hiện nay ở các tỉnh xảy ra tình trạng hỏng hóc phải đậu bờ, anh Sương cho rằng, theo kinh nghiệm của gia đình, việc nhiều người nói vật liệu không tốt là chưa đúng vì vỏ tàu dù ở đâu cũng phải qua cơ quan kiểm định. Còn về phần tàu hư do gỉ sét ở thân tàu thì theo tôi là do sơn. Bên cạnh đó, anh Sương cũng cho rằng, chúng ta đang bị chênh ở chỗ, người thiết kế không có đủ kiến thức thực tế trong khi ngư dân nhiều người không rành về thiết kế.

Anh Sương cho biết thêm, anh Trần Văn Mười - người hạ thủy chiếc tàu vỏ thép đầu tiên ở Đà Nẵng theo Nghị định 67 - cũng đã lấy thiết kế của Nhà nước rồi chỉnh sửa. Đến nay, cả 2 tàu đều hoạt động tốt.

THÙY TRANG - TRẦN HÓA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tau-vo-thep-nghi-dinh-67-noi-ngao-ngan-dau-bo-noi-chay-ngon-lanh-668203.bld