Tàu trinh sát Nga bị tàu Thổ Nhĩ Kỳ đâm chìm: Tai nạn vô tình hay âm mưu?

Trưa ngày 27.04.2017 tại cửa ngõ eo Bosphorus lối vào Biển Đen, tàu trinh sát điện tử Nga Liman va chạm với tàu chở gia súc Yozarsif-H treo cờ Togo. Liman bị thủng một lỗ lớn mạng phải và nhanh chóng chìm xuống đáy biển. 78 thành viên thủy thủ đoàn được cứu hộ, không có người bị thương.

Tàu trinh sát điện tử hạng nhẹ Liman thuộc hạm đội Biển Đen

Theo các nguồn tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, khoảng 11:44 đến 11:53 msk gần lối vào eo biển Bosphorus từ Biển Đen xảy ra vụ va chạm 2 chiếc tàu. Một trong hai tàu đó đó là tàu trinh sát điện tử thuộc Hạm đội Biển Đen Liman.

Đến 12h00, các tàu kỹ thuật và cứu hộ của hạm đội Biển Đen được lệnh tiến về khu vực va chạm. Bộ tư lệnh Hạm đội Biển Đen cũng ra lệnh cho một chiếc An-26, mang theo một nhóm cứu hộ đến khu vực va chạm.

Nhưng trong sự cố hy hữu này, Liman bị đâm một vết rất rộng phía lườn phải thấp hơn mực ngấn nước. Mọi công tác cứu hộ tàu đều không thành công và đến khoảng 14h48, Liman chìm xuống đáy biển. Theo những tọa độ mà truyền thông mạng xã hội công bố, vị trí va chạm cách ngọn hải đăng Rumeli Feneri 37 km về phía tây bắc, trước cửa ngõ vào eo biển Bosphorus.

Trước đó một khoảng thời gian, một tàu vận tải Nga Ulus Star, có chuyến hải hành từ Astrakhan đến Ravenna Ý, hai tàu cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ và chiếc tàu thủ phạm vụ đâm húc, đã cứu tất cả thủy thủ đoàn tàu Liman, tổng số là 78 người. Thông tin ban đầu về việc 15 người mất tích không chính xác. Tàu vận tải Ulus-Star tiếp nhận tất cả thành viên của Liman và chuyển đến căn cứ hải quân của Hạm đội Biển Đen.

Tàu nào đã va chạm với Liman?

Thủ phạm của vụ va chạm này, văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga gọi tên tạm là "Ashot-7", tên này được hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng Nga đăng tải, nhưng trong danh sách đăng ký các tàu trên thế giới không tìm thấy một chiếc tàu nào tương tự.

Sau đó, thông báo của Cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ làm sáng tỏ vấn đề: tàu Liman bị một chiếc tàu chở gia súc đâm phải, chiếc tàu mang một tên rất khó đọc Yozarsif-H.

Chiếc tàu vận tải này có trọng tải 2103 tấn, được đóng năm 1977 tại Hamburg, nhiều lần thay đổi chủ sở hữu và tên gọi. Tại thời điểm xảy ra sự cố, tàu đang trên đường về cảng Lome (Cộng hòa Togo), chiếc tàu thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường thương mại giữa Địa Trung Hải, biển Đen và biển Đỏ, vận tải hàng hóa cho công ty công nghiệp gia súc Hammami Livestock. Chiếc tàu chở gia súc này xuất phát vào buổi tối ngày 26.04 rời cảng Midia thuộc Rumani và đang trên đường tới cảng Aqaba thuộc Jordan.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tàu Yozarsif-H không có hư hỏng gì đáng kể và vẫn đang hiển diện trong vùng nước xảy ra tai nạn. Những thông tin trên cho thấy, chiếc tàu có những mối quan hệ kinh doanh giữa châu Âu và các nước Ả rập.

Tàu trinh sát điện tử Liman được đóng vào năm 1970 tại nhà máy đóng tàu Ba Lan Gdansk Stocznia Polnocna. Theo dự án ban đầu, đây là một chiếc tàu dân sự dự án 861 (lượng giãn nước 1560 tấn, tốc độ 17 hải lý). Nhà máy đóng tàu Ba Lan cung cấp cho Liên xô 29 chiếc tàu loại này. Quân đội Liên Xô đã chuyển mục đích sử dụng 9 chiếc này thành tàu quân sự (khoảng giữa năm 1968 và 1976).

Thời gian đầu, Liman được sử dụng như một tàu khảo sát nghiên cứu biển (lúc đầu ở Biển Baltic, từ năm 1974 hoạt động ở Biển Đen). Năm 1989 tàu được chuyển loại thành tàu trinh sát điện tử.

Những tàu trinh sát loại này được thiết kế để theo dõi các chiến hạm và hải đội của kẻ thù tiềm năng, theo dõi các cuộc diễn tập và thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới. Tàu được trang bị các hệ thống trinh sát, tình báo điện tử tiên tiến, bao gồm cả hệ thống xâm nhập và nghe lén thông tin liên lạc đối phương, hệ thống trinh sát thủy âm hiện đại.

Những tổ hợp trinh sát này thường được đặc biệt dành cho những mục đích cụ thể, do đó trang thiết bị mang tính chuyên dụng cao, như hệ thống trinh sát ngầm dưới biển để theo dõi tàu ngầm hoặc các phương tiện ngầm của đối phương hoặc các thiết bị giám sát bức xạ, cho phép theo dõi phát hiện các bức xạ đặc biệt xuất hiện trong môi trường không khí hoặc nước biển.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, các tàu trinh sát điện tử như Liman cũng có thể sẽ được trang bị các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại, có mục đích trinh sát, tìm kiếm và tấn công các phương tiện không người lái dưới mặt nước, trên biển và trên không.

Liman là chiến hạm nằm trong biên chế của lữ đoàn tàu trinh sát tác chiến điện tử số 519 thuộc hạm đội Biển Đen, có căn cứ cố định tại vịnh Nam (Sevastopol), trong đội ngũ lữ đoàn còn có 2 tàu cùng lớp là chiếc Kildin và Ekvator cùng một tàu khác thuộc dự án 864 mang tên Priazov.

Mùa xuân năm 1999, Liman thực hiện trực chiến ở Biển Adriatic, lúc đó trên vùng nước này, hải quân NATO triển khai lực lượng tiến hành cuộc tấn công vào Nam Tư. Đây là trận đánh có sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk quy mô lớn, gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng cơ sở của Nam Tư.

Nguy cơ của một vụ rò rỉ bí mật quân sự

Nếu khu vực xảy ra tai nạn có tọa độ đúng như truyền thông công bố, tại vị trí chìm của tàu Liman, độ sâu đáy biển khoảng 85–95 m. Đây thực sự là một vấn đề đối với các nhà quân sự Nga. Không nghi ngờ, tàu Liman, khi vượt eo biển Bosphorus sẽ tiến về Địa Trung Hải, có thể tham gia cụm tàu tấn công chủ lực Nga, đang hoạt động ngoài bờ biển Syria. Điều đó có nghĩa là, trên tàu Liman có thể chứa đầy những trang thiết bị bí mật mà người Nga không muốn bất cứ ai được biết.

Nếu vị trí con tàu bị đâm chìm lệch lên hướng bắc một chút, nơi thềm lục địa kết thúc đột ngột với độ sâu lên đến 500-1000 mét, vấn đề bảo mật sẽ không có quá nhiều để lo ngại. Nhưng độ sâu trên dưới 90 m là cả một vấn đề. Tất cả đều biết, người Mỹ đã từng cố gắng trục vớt tàu ngầm nguyên tử K-129, trên tàu lúc đó có 3 tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và hệ thống trang thiết bị thông tin liên lạc đặc biệt.

Ở độ sâu 90 m mọi vấn đề trở lên dễ dàng. Không loại trừ ai đó muốn chiếc tàu trinh sát điện tử này chìm đúng nơi người ta muốn nó chìm. Do chỉ cách đây không lâu, theo Bộ quốc phòng Nga, 36 quả tên lửa Tomahawk biến mất trên đường bay đến sân bay Shayrat thuộc địa phận tỉnh Homs, Syria.

Ngay cả trường hợp của một “thuyết âm mưu”, khi đối phương hiểu rất rõ những chiếc tàu do Ba Lan sản xuất và quyết định sử dụng một vụ tai nạn để đánh chìm nhằm mục đích tình báo, thì vấn đề trục vớt chiếc tàu này, ngay cả trong tình huống khẩn cấp cũng sẽ không dễ dàng và nhanh chóng. Đây chính là điều các nhà quân sự Nga thực sự lo lắng.

Tàu trinh sát Liman thuộc hạm đội Biển Đen, Nga

TTB

Trịnh Thái Bằng -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tau-trinh-sat-nga-bi-tau-tho-nhi-ky-dam-chim-tai-nan-hay-am-muu-120660.html