Tàu ngầm hạt nhân Australia chưa hình thành, châu Á đã dậy sóng

Dù đội tàu ngầm hạt nhân của Australia, được Mỹ hỗ trợ phát triển theo liên minh an ninh AUKUS, vẫn chưa hình thành, một số nước châu Á đã lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang.

Dự kiến ít nhất một thập kỷ nữa đội tàu ngầm hạt nhân của Australia mới hoạt động, nhưng kế hoạch phát triển hạm đội này đang tạo nên sóng gió trên chính trường châu Á.

Việc Mỹ và Anh cùng hỗ trợ Australia đóng tàu ngầm hạt nhân có thể khiến cả châu Á tăng cường phát triển quân sự. Trung Quốc có thể tăng cường hiện đại hóa quân đội, phát triển công nghệ chống tàu ngầm. Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản có thể đổ nhiều tiền hơn vào việc tăng cường năng lực an ninh quốc phòng.

Trong khi đó, các nước trung lập như Indonesia và Malaysia ngày càng chịu sức ép nặng nề phải tỏ rõ quan điểm đứng về bên nào, theo New York Times.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

"Mỹ, Anh và Australia đang cố tăng tốc phát triển quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này củng cố cáo buộc của Bắc Kinh rằng các nước bên ngoài hành động không theo nguyện vọng của các nước trong khu vực", theo ông Dino Patti Djalal, cựu đại sứ Indonesia tại Mỹ.

"Nhưng điều đáng quan ngại hơn là khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang không cần thiết vào thời điểm hiện tại, và cả trong tương lai", cựu Đại sứ Djalal nói.

Vào ngày 15/9, Mỹ tuyên bố thành lập liên minh AUKUS với Australia và Anh. Ảnh: AP.

Cho đến khi đoàn tàu ngầm của Australia có thể hoạt động, Bắc Kinh sẽ nỗ lực kêu gọi các nước châu Á phản đối AUKUS, cũng như lên kế hoạch đối phó bằng quân sự.

Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), đồng minh và đối tác thân thiết của Mỹ, nhanh chóng ủng hộ thỏa thuận an ninh của liên minh AUKUS. Trong khi đó, một số chính phủ châu Á khác vẫn còn nghi ngại và quan sát trong im lặng.

Ông Ben Bland, giám đốc của chương trình Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Lowy, cho biết một số nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á mong muốn Mỹ vẫn có ảnh hưởng về an ninh.

"Tuy nhiên, họ cũng e ngại cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ và đồng minh sẽ khiến Trung Quốc phản ứng, và căng thẳng có thể leo thang ở Đông Nam Á. Cách tiếp cận này bị cho là không để tâm đến ý kiến của các nước trong khu vực", ông nói thêm.

Trước khi liên minh AUKUS được thành lập, một số nước bắt đầu triển khai nhiều tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa, do lo ngại về tốc độ phát triển quân sự nhanh chóng và động thái bành trướng của Trung Quốc.

Theo Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS), khoản đầu tư của Trung Quốc chiếm đến 42% tổng ngân sách để tăng cường quân sự ở châu Á.

Giới chức Nhật Bản bắt đầu xem xét việc chi hơn 1% GDP vào quân sự, mức cao nhất của nước này từ những năm 1970. Trong khi đó, Hàn Quốc tăng trung bình 7% ngân sách quốc phòng mỗi năm kể từ năm 2018.

Ấn Độ cũng tăng cường chi tiêu cho quân sự, trong bối cảnh mối quan hệ của nước này với Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế Ấn Độ, làm thay đổi kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của New Delhi.

Ấn Độ dự kiến tự sản xuất thêm 350 máy bay quân sự trong hai thập kỷ tới, một chỉ huy Lực lượng Không quân Ấn Độ cho biết vào đầu tháng 9. Trong khi đó, Nhật Bản đang phát triển một loại tên lửa siêu thanh có khả năng chống lại tàu chiến của Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ giúp các nước châu Á đối phó với sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Điều này được nhấn mạnh trong thỏa thuận mới giữa Mỹ, Anh và Australia; và sẽ được bàn đến trong cuộc họp sắp đến tại Nhà Trắng giữa các lãnh đạo Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tuy nhiên, một số nước châu Á hy vọng không bị buộc phải đưa ra lựa chọn và công bố "mối quan hệ vĩnh viễn" với Mỹ như Thủ tướng Australia Scott Morrision vào tuần trước.

Với mong muốn tập trung vào việc hàn gắn mối quan hệ với các nước láng giềng, Ấn Độ không lên tiếng về AUKUS.

Hàn Quốc cũng giữ im lặng nhằm có được mối quan hệ ổn định với Trung Quốc đại lục, trong khi nước này tập trung vào việc xử lý mâu thuẫn với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Indonesia và Malaysia bày tỏ lo ngại về "cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra".

Singapore là nước có mối quan hệ tốt với Bắc Kinh và Washington. Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói với Thủ tướng Morrison rằng ông hy vọng "sự hợp tác Mỹ - Australia sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình và sự ổn định ở châu Á", theo Straits Times.

Xét về tổng thể, kế hoạch lắp ráp ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân của Australia không quá ghê gớm đối với Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc có lực lượng lớn nhất thế giới, với khoảng 360 chiến hạm và 12 tàu ngầm hạt nhân. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ có 21 tàu ngầm hạt nhân vào năm 2030. Trong khi đó, Hải quân Mỹ có khoảng 300 chiến hạm, trong đó bao gồm 68 tàu ngầm hạt nhân.

Tuy nhiên, việc đưa tàu ngầm khó phát hiện đến vùng biển gần Trung Quốc, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên là một nước đi hiệu quả trong việc kìm hãm quân đội Trung Quốc, theo ông Drew Thompson, cựu viên chức phụ trách về quan hệ với Trung Quốc của Lầu Năm Góc.

Biện pháp đối phó của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc không bàn luận gì thêm về tình hình hiện tại, sau khi chỉ trích thỏa thuận giữa Mỹ và Australia vào tuần trước. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ lên kế hoạch đối phó về mặt quân sự và ngoại giao, trong đó bao gồm hạn chế nhập khẩu từ Australia, theo New York Times.

Đồng thời, Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường tiến độ phát triển công nghệ dò tìm và hủy diệt tàu ngầm hạt nhân, trước khi Australia hoàn thành chúng. Tuy Trung Quốc sản xuất nhanh chóng nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu, công nghệ chống lại tàu ngầm của nước này vẫn chưa tiến bộ.

Các chuyên gia cho biết khả năng các nước chạy đua công nghệ cao hơn so với chạy đua vũ trang.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc sẽ nỗ lực kêu gọi các nước trong khu vực phản đối thỏa thuận tàu ngầm và liên minh AUKUS. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ khó nhận được sự ủng hộ từ các nước do những động thái bành trướng của mình.

Hành động tranh giành lãnh thổ của Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước trong khu vực. Ảnh: New York Times.

"Thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS cho thấy Đông Á đang trở thành tâm điểm trong chiến lược an ninh toàn cầu của Mỹ", theo ông Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh. "Đây là lời nhắc nhở rằng Mỹ sẽ tiếp tục tận dụng thời cơ nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông và biển Hoa Đông không bớt căng thẳng".

Thế Hào (Theo New York Times)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tau-ngam-hat-nhan-australia-chua-hinh-thanh-chau-a-da-day-song-post1265617.html