Tàu Kuznetsov khoe cáp hãm đà sau sự cố đứt phựt

Nga vừa công bố video chứng minh sự chuyên nghiệp trong vận hành cáp hãm đà trên tàu Kuznetsov – hệ thống mang lại nhiều tai tiếng cho Nga trong thời gian qua.

Nga chứng minh chuyên nghiệp

Truyền hình Ngôi sao của Nga vừa cho công bố đoạn video nghi lại hoạt động rất chuyên nghiệp ở hệ thống cáp hãm đà trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Theo giới thiệu, phòng điều khiển hệ thống cáp hãm đà nằm ngay dưới đường băng tàu Kuznetsov.

Bốn dây cáp tương đương với 4 phòng điều khiển khác nhau, tuy nhiên mỗi cỗ máy điều được thiết kế khác nhau. Để có thể hạ cánh xuống tàu sân bay, tiêm kích hạm phải được thiết kế với thanh mốc cáp. Khi hạ cánh, thanh này sẽ bắt vào 1 trong 4 sợi cáp giăng ngang trên đường băng hạ cánh của tàu Kuznetsov, mỗi sợi cách nhau 12 m.

Su-33 chuẩn bị hạ cánh xuống tàu Kuznetsov.

Để sợi cáp có thể thực hiện thuần thục thao tác hạ cánh với những máy bay có trọng lượng khác nhau, trước khi hạ cánh bộ phận này được thông báo về khối lượng của máy bay chuẩn bị hạ cánh để điều chỉnh sức căng của dây cho phù hợp: Với MiG-29K là 18 tấn, Su-33 là 26 tấn.

Khi máy bay móc được sợi cáp và kéo căng chúng thì cũng là lúc dây cáp làm di chuyển cỗ máy hãm đà trong phòng điều khiển bên dưới. Bộ phận hãm đà di chuyển ngược với hướng máy bay đang hạ cánh giúp máy bay dừng lại trên đường băng của tàu.

Theo những thông tin được công khai, trên tàu Kuznetsov được trang bị 4 sợi cáp hãm đà. Khi có máy bay hạ cánh, các sợi cáp này được nâng lên cao 12 cm so với mặt đường băng, sợi đầu tiên cách phần đuôi tàu khoảng 46 m, các sợi kế tiếp cách nhau 12 m.

Khi thực hiện thao tác hạ cánh, phi công phải cố gắng cho càng móc cáp phía sau máy bay bắt được sợi cáp thứ 2 (cáp chính) hoặc thứ 3 (sợi thứ 4 là dự phòng trong khi sợi thứ nhất rất hiếm khi dùng đến).

Thiết kế của tàu Kuznetsov ảnh hưởng đến Su-33

Dù hệ thống cáp hãm đà trên tàu Kuznetsov hoạt động rất chuyên nghiệp nhưng chỉ trong thời ngắn hoạt động tại Syria, 2 chiếc tiêm kích hạm MiG-29K và Su-33 bị rơi xuống biển do liên quan đến hệ thống cáp hãm đã của tàu sân bay Nga.

Trang mạng Defence News vừa có bài viết cho rằng, tiêm kích Su-33 hướng tới một thiết kế máy bay tiêm kích hạm cỡ lớn để mang được nhiều nhiên liệu, tăng bán kính tác chiến và tải trọng vũ khí. Do đó, nó được trang bị động cơ AL-31F với lực đẩy khá lớn là 12.500kg.

Hệ thống hãm đà trên tàu Kuznetsov.

Về lí thuyết, Su-33 có tải trọng hữu ích khoảng 12 tấn. Tuy nhiên, do tàu sân bay của Liên Xô thiết kế theo kiểu cầu bật, trong khi họ lại không có máy phóng, làm hạn chế trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích hạm.

Ngoài ra, kích thước của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng tương đối nhỏ làm hạn chế chiều dài của đường băng, dẫn đến tiêm kích hạm hạng nặng không tích lũy đủ tốc độ trước khi rời mặt boong nên phải giảm tải thực tế thấp hơn nhiều so với thiết kế tối ưu, để có thể cất cánh an toàn.

Su-33 có trọng lượng không tải là 18,4 tấn, trọng lượng cất cánh thông thường là 29,9 tấn, tối đa là 33 tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia từ thời Liên Xô đã chỉ ra, đối với loại tàu sân bay kích thước như vậy, để đạt được trọng lượng cất cánh thông thường đã là rất khó khăn.

Vì vậy, ngay sau khi Su-33 ra đời, Liên Xô/Nga đã phải quay sang phát triển loại tiêm kích hạm hạng nhẹ MiG-29K có trọng lượng cất cánh tối đa thấp hơn Su-33, để thay thế cho nó.

Trên thực tế, do những hạn chế của đường băng kiểu cầu bật trên tàu sân bay Kuznetsov nên tải trọng hữu ích của Su-33 rất kém, nếu mang đủ nhiên liệu (khoảng 9 tấn) thì lượng bom đạn mà nó mang theo rất hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tác chiến.

Theo đó, sau khi đã nạp đầy nhiên liệu, Su-33 chỉ mang được vẻn vẹn 3 tấn vũ khí. Do đó, nó buộc phải thu hẹp khả năng thực hiện nhiệm vụ đa năng của mình, làm khả năng chiến đấu thực tế của nó không cao như thiết kế ban đầu.

Clip Nga khoe hệ thống cáp hãm đà trên tàu Kuznetsov

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-kuznetsov-khoe-cap-ham-da-sau-su-co-dut-phut-3324952/