Tàu cá Việt Nam vẫn nườm nượp ra khơi sau lệnh cấm của TQ

Mặc dù TQ đơn phương áp đặt luật cấm đánh bắt cá tại Biển Đông trong 2 tháng rưỡi nhưng mấy ngày qua, tàu cá ngư dân VN vẫn nườm nượp ra khơi.

Ngư dân Việt Nam vẫn nườm nượp ra khơi

Trung Quốc đơn phương áp đặt luật cấm đánh bắt cá tại Biển Đông trong 2 tháng rưỡi bắt đầu từ ngày 16/5.

Phạm vi khu vực biển thực thi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc kéo dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển tiếp giáp giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông (bao gồm Vịnh Bắc Bộ). Có nghĩa là lệnh đánh bắt cá bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa, và vài hòn đảo ở Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.

Khu vực Trung Quốc đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá (Đồ họa: Sina)

Theo chính quyền Trung Quốc, lệnh cấm này sẽ áp dụng cho ngư dân trong nước và ngư dân nước ngoài, nếu tàu nào cố tình đánh bắt sẽ bị xử phạt hành chính và thu giữ dụng cụ đánh bắt.

Mặc dù luật cấm đánh bắt cá tại Biển Đông của Trung Quốc đã có hiệu lực nhưng tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn nườm nượp ra khơi.

Sáng 17/5, hối hả cập tàu vào cảng Quy Nhơn, ngư dân Trần Hiểu Văn - chủ tàu BĐ 96561 TS công suất 330 CV (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Tui vào bờ khẩn trương bán hải sản cho thương lái, cho anh em bạn thuyền nghỉ ngơi vài ngày rồi lại ra khơi”.

Anh Văn không quan tâm đến lệnh cấm biển của Trung Quốc mặc dù có biết qua radio: “Vẫn thế thôi, ngư trường của mình có từ hàng trăm năm trước, ông cha ta đã đánh cá ở đó, sao phải sợ lệnh cấm vô lý”. Tàu BĐ 96561 đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa hơn 15 ngày, được 1,5 tấn cá ngừ đại dương, trừ 70 triệu đồng chi phí, thuyền viên có thu nhập 5 triệu đồng/người.

Tàu cá của ngư dân Đà Nẵng vẫn nhằm hướng ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến (Ảnh: Nam Cường)

Tại làng cá của xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), ông Bùi Thanh Ninh cho biết, tổ đội khai thác thủy sản của ông quản lý có 16 tàu thì đã 13 tàu cập bến, còn lại 3 tàu đang lênh đênh trên biển.

Nói về việc Trung Quốc vừa ra luật cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Ninh cho hay: “Hiện nay, đội tàu của chúng tôi đa phần đánh bắt tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa… Quan điểm của tôi lâu nay là có sống chết thì cũng vì biển của ta thôi. Ngư dân chúng tôi ra khơi đánh bắt tại ngư trường truyền thống thuộc lãnh thổ của Việt Nam, khai thác đúng với luật pháp thì chúng tôi không sợ gì cả. Nếu Nhà nước ta ra lệnh cấm thì chúng tôi chấp hành, còn ai ra lệnh cấm đánh bắt trên vùng biển Việt Nam thì mặc kệ”.

Tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), trưa 17/5 có hàng chục tàu trong tình trạng sẵn sàng xuất bến. Các thuyền viên khác hối hả đưa lương thực, nhiên liệu... xuống tàu để chuẩn bị cho chuyến đi mới tại vùng biển Hoàng Sa.

Tại Đà Nẵng, tàu cá của ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi, hướng đến ngư trường Hoàng Sa. Theo lời ngư dân Đinh Văn Lợi (51 tuổi) - chủ tàu cá ĐNa 90732TS đánh bắt xa bờ nghề lưới rê trôi, việc Trung Quốc cấm đánh bắt ở biển Đông là vô lý. Ông Lợi quả quyết: “Họ cấm cứ cấm, mình cứ đánh bắt ở ngư trường vùng biển của mình. Ngư dân xem biển là nhà, là nguồn kế sinh nhai. Không đi lấy gì để sống. Mỗi chuyến biển tôi thường xuyên bị tàu tuần tra Trung Quốc phá ngư lưới cụ, để chúng tôi nản không đi đánh bắt nữa. Nhưng dù có cấm, phá ngư lưới cụ, tôi cũng quyết bám biển”.

Việt Nam phản đối lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc

Liên quan đến việc Trung Quốc áp đặt luật cấm bắt cá ở Biển Đông, ngày 17/5, Việt Nam đã bác bỏ lệnh phản đối trên. "Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định vô giá trị này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay nêu rõ.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

"Việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", ông Lê Hải Bình khẳng định.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Như Hà

Baotinnhanh

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/xa-hoi/4298-tau-ca-viet-nam-van-nuom-nuop-ra-khoi-sau-lenh-cam-cua-tq.html