Tất cả vì thí sinh

Những câu chuyện ấm áp tình người, sự chăm lo của cả xã hội đối với thí sinh luôn là dấu ấn đẹp của các Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đây là Kỳ thi THPT quốc gia).

Ảnh minh họa/INT

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, những sĩ tử bước vào Kỳ thi năm 2022 đã trải qua 3 năm THPT đầy xáo trộn, phải thay đổi hình thức học tập, chuyển sang học trực tuyến trong thời gian dài. Bởi vậy, tinh thần một kỳ thi nhân văn càng được đặc biệt nhấn mạnh trong năm nay.

Không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ có một nội dung đầy đặn, yêu cầu chi tiết về việc tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả điểm thi; vận động, hỗ trợ thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tham dự Kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đi lại… Trường hợp phát sinh tình huống bất khả kháng, cần xử lý kịp thời, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh.

Đã có nhiều hành động thực tế, thể hiện sâu sắc tinh thần tất cả vì thí sinh trước và sau một ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay; từ những việc được lên kế hoạch, tổ chức bài bản, đến hành động nhỏ nhưng vô cùng đáng trân trọng của từng cá nhân.

Như một cô giáo dạy văn ở vùng cao Hướng Hóa, Quảng Trị đã âm thầm chuẩn bị 100 suất quà là hộp sữa, gói bánh và lời chúc dễ thương dành cho các thí sinh trường mình. 100% thí sinh tại 2 điểm thi huyện Vân Hồ (Sơn La) được hỗ trợ chỗ ăn, ngủ miễn phí trong 3 ngày với 2 bữa chính và 1 bữa sáng từ nguồn đóng góp xã hội hóa và sự hỗ trợ từ giáo viên nhà trường. 29 thí sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - xã đảo duy nhất ở TP Hồ Chí Minh vào đất liền dự thi được UBND xã hỗ trợ tiền đò, UBND huyện hỗ trợ tiền xe; Hội Khuyến học của xã tặng mỗi em 300 nghìn đồng/ngày; nhà trường thì chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm cho học sinh...

Cũng tại TP Hồ Chí Minh, một thí sinh bị gãy tay không thể viết bài đã được điểm thi bố trí cán bộ coi thi viết bài thi hộ, bố trí máy ghi âm, ghi hình để bảo đảm khách quan, đúng quy định. Thí sinh đến từ Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước) bị tai nạn đã được Huyện đoàn Bù Đốp, Hội Liên hiệp Thanh niên của huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê xe cứu thương và dụng cụ chuyên dụng đưa đến điểm thi, đồng thời cắt cử các tình nguyện viên giúp đỡ trong 2 ngày diễn ra Kỳ thi.

Tỉnh Cà Mau thì hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho khoảng 300 thí sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thành lập hơn 20 đội tiếp sức mùa thi, tặng khẩu trang, nước uống đóng chai, áo mưa, xe ôm miễn phí đưa đón thí sinh, phát miễn phí bút, tẩy. Các tỉnh có địa bàn phức tạp, dễ xảy ra mưa lũ, sạt lở đường đều có phương án đón học sinh tập trung về khu vực trung tâm, lo chỗ ăn, nghỉ trong những ngày thi. Nhiều thầy cô đồng hành cùng trò như những tình nguyện viên đặc biệt trong ngày thi…

Rất nhiều câu chuyện đẹp như vậy trên khắp 63 tỉnh thành là minh chứng rõ nhất cho việc “cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cùng vào cuộc” không chỉ là khẩu hiệu. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Với một kỳ thi, những học sinh gặp khó khăn có thể chỉ chiếm vài phần trăm trong số thí sinh dự thi tại các địa phương trên cả nước; nhưng mỗi thí sinh lại là 100% niềm hy vọng của các bậc cha mẹ, gia đình. Vì thế, chúng ta không thể bỏ rơi bất cứ một thí sinh nào khiến các em gặp trở ngại mà không thể đến được điểm thi.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tat-ca-vi-thi-sinh-post600066.html