Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

QĐND - Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương đã được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Hóa học (BCHH) thống nhất và triển khai mạnh mẽ. Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung, Tư lệnh BCHH đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về chủ trương này.

PV: Hiện nay, những chuyên gia phòng hóa đầu ngành đang giảm dần, trong khi ở trong nước, việc đào tạo còn khiêm tốn, vậy BCHH có những giải pháp gì đối với vấn đề này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ BCHH nhiệm kỳ 2010-2015 xác định đây là khâu đột phá và đề ra nhiệm vụ, chỉ tiêu: “Tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút và giữ cán bộ chất lượng cao; khuyến khích đào tạo sau đại học, nhất là tiến sĩ, phấn đấu cuối nhiệm kỳ số cán bộ có trình độ đại học trở lên đạt hơn 95%, trong đó 15% có trình độ sau đại học”. Binh chủng đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt các cơ sở đào tạo như Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng)… để thống nhất lại vấn đề, hướng đào tạo sao cho đáp ứng yêu cầu của ngành phòng hóa mà không phải phó mặc cho các cơ sở đào tạo. Binh chủng cũng tranh thủ các cơ sở đào tạo chuyên ngành hóa học ngoài quân đội để gửi cán bộ đi đào tạo. Đặc biệt, binh chủng đang chủ động tìm nguồn đào tạo ngoài nước để đội ngũ cán bộ được tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến, nhưng phù hợp với Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra đồ dùng huấn luyện tại Trung đoàn 86 (Binh chủng Hóa học) tháng 3-2012. Ảnh: Hưng Tuấn

PV: Thưa đồng chí, chủ trương đào tạo cán bộ của Binh chủng là xuất phát từ cái “cần” của thực tiễn công tác phòng hóa. Vậy cái “cần” ở đây được hiểu như thế nào?

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Chủ trương này được binh chủng chỉ đạo các cơ sở đào tạo mà trước tiên từ Trường Sĩ quan Phòng hóa. Nhà trường phải tiến hành rà soát lại toàn bộ chương trình để thống nhất những trọng tâm, trọng điểm, cắt bớt những cái rườm rà. Công tác đào tạo của nhà trường phải gắn chặt với thực tiễn. Thực tiễn của Bộ đội Hóa học không chỉ là khi có chiến tranh mà ngay trong thời bình. Ví như thời gian vừa qua, nhiều sự cố liên quan đến yếu tố phóng xạ, chất độc hóa học, ô nhiễm môi trường, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh đều cần sự có mặt của Bộ đội Hóa học… Hiện nay, ở cơ sở đào tạo trong binh chủng, không chỉ trò mà thầy cũng phải bắt tay vào thực tiễn. Có như vậy, bài giảng mới thiết thực, có sức thuyết phục người học. Các sản phẩm tốt nghiệp của học viên (luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ) phải được phổ biến, ứng dụng rộng rãi và lưu trữ tại các thư viện khoa học của các đơn vị, nhà trường. Để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa đơn vị với cơ sở đào tạo, trong quá trình đào tạo, các học viên phải tích cực, chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị để cập nhật thông tin mới.

PV: Vậy còn việc thu hút nhân tài được binh chủng thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Thu hút nhân tài vào quân đội là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội. BCHH đang thực hiện chính sách đó và rất được quan tâm. Tất nhiên để thu hút được nhân tài thì không đơn giản chỉ là cho cái nọ hay cái kia mà cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Đơn cử như việc cấp trên chủ động gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cấp dưới làm việc; bố trí đúng sở trường làm việc của cán bộ; tạo điều kiện cho anh em đi học hoặc mạnh dạn giao nhiệm vụ, bổ nhiệm những cán bộ trẻ có khả năng... Những anh em làm các đề tài khoa học, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, mặc dù chưa nhiều nhưng Binh chủng cũng đã hỗ trợ một phần để động viên khuyến khích. Đặc biệt, những vấn đề thuộc về chế độ, chính sách trong hoạt động đặc thù của Bộ đội Hóa học thì Đảng ủy, chỉ huy Binh chủng kiến nghị lên cấp trên nhằm bảo đảm tốt nhất cho bộ đội.

PV: Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng trong xây dựng nguồn nhân lực, vậy vấn đề này được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Phạm Quốc Trung: Trên cơ sở các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, trong xu hướng mở rộng hội nhập quốc tế, trong đó có các hoạt động đối ngoại về quốc phòng-an ninh, chính là cơ hội tốt để Đảng ủy, Bộ tư lệnh BCHH triển khai có hiệu qua chủ trương này. Trong những năm qua, BCHH đã rất chủ động và tích cực kiến nghị, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều giải pháp mang tính hiệu quả trong việc phối hợp tổ chức đào tạo cán bộ. Cùng với sự chủ động của BCHH, tôi cho rằng, một vấn đề hết sức quan trọng là phải mở rộng việc đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ở những nước có kỹ thuật phòng chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân tiên tiến để đào tạo nguồn nhân lực phòng hóa chất lượng cao cho đất nước, đây cũng là điều kiện để chúng ta rút ngắn khoảng cách về công nghệ trong trong lĩnh vực này.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TUẤN HƯNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/184798/Default.aspx