Tập trung thực hiện những dự án trọng điểm trong năm 2023

Tại kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, UBND tỉnh nhận được 160 ý kiến của các cử tri và đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị giải quyết các vấn đề cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, có nhiều ý kiến liên quan đến việc xây dựng các công trình trọng điểm và xử lý ô nhiễm môi trường về rác thải.

2 dự án quan trọng sẽ khởi công trong năm 2023

Trả lời kiến nghị cử tri, đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuyến đường này, tỉnh Sóc Trăng được giao thực hiện Dự án thành phần 4, chiều dài 58,4km với điểm đầu là xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), điểm cuối là thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng); giai đoạn 1 có 4 làn xe, giai đoạn 2 có 6 làn xe; có 6 nút giao, 1 điểm dừng nghỉ. Tỉnh đang tập trung triển khai các công việc thuộc trách nhiệm địa phương, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Phấn đấu khởi công trong tháng 6/2023 và hoàn thành cuối năm 2026.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và các ngành chức năng khảo sát Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: MỸ LINH

Đối với Dự án cầu Đại Ngãi do Ban Quản lý Dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư với tổng chiều dài toàn tuyến 15,2km đi từ Cầu Quan của tỉnh Trà Vinh qua xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), trong đó, đoạn qua Sóc Trăng có 1 phần cầu Đại Ngãi 1, toàn bộ cầu Đại Ngãi 2, cầu Bến Bạ, cầu Khém Rạch Già và 6,5km đường, có tuyến nhánh xuống huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Thời gian khởi công dự kiến trong tháng 6/2023 và hoàn thành cuối năm 2026.

Chuẩn bị Dự án Cảng nước sâu Trần Đề

Đối với Dự án Cảng nước sâu Trần Đề, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cũng thông tin rằng, để cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có Quy hoạch phát triển Cảng nước sâu Trần Đề), cần có 2 quy hoạch chuyên ngành. Thứ nhất là quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước. Quy hoạch này do Bộ Giao thông Vận tải lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đang trong quá trình lấy ý kiến, thẩm định và dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12/2022. Thứ hai là Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển (trong đó có vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng). Quy hoạch này do Cục Hàng hải Việt Nam lập (trong đó có nội dung đề xuất về vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng), trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2023 (sau khi phê duyệt quy hoạch thứ nhất ở trên).

Việc xây dựng Dự án Cảng nước sâu Trần Đề không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Sóc Trăng mà còn có ý nghĩa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo quy hoạch thứ nhất, sẽ ưu tiên đầu tư bến cảng khởi động tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề cùng các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, nhà máy. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025: định hướng quy hoạch khu bến Trần Đề gồm các bến thuộc tuyến sông Hậu về hạ lưu cầu Đại Ngãi có chiều dài cầu cảng 340m với năng lực thông qua từ 2.000.000 - 2.100.000 tấn/năm và tiếp nhận từ 488.000 - 506.000 lượt khách. Giai đoạn 2 từ 2025 - 2030: giữ năng lực khai thác như giai đoạn 1, tăng lượng hành khách lên, từ 564.000 - 570.700 lượt khách. Riêng với bến cảng khởi động ngoài khơi Trần Đề, đến năm 2030 tổng chiều dài cầu cảng đạt 2.200m, năng lực thông qua từ 30 - 35 triệu tấn. Đến năm 2050, hoàn thành đầu tư khu bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại huyện Trần Đề và một số cảng biển khác.

Sau khi các quy hoạch nêu trên được duyệt, tỉnh tiếp tục phối hợp các cơ quan Trung ương lập hồ sơ thủ tục để kêu gọi đầu tư Dự án Cảng Trần Đề theo quy định.

Tập trung xử lý bãi rác gây ô nhiễm

Với trách nhiệm trả lời kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải trình thực trạng rác thải sinh hoạt tại các địa phương chỉ sử dụng phương pháp chôn lấp, đốt là chủ yếu, việc phân loại rác tại nguồn chưa làm được. Đồng thời, các lò đốt rác đã được đầu tư tại một số bãi rác tập trung bị hư hỏng không vận hành được dẫn đến lượng rác tồn đọng tại các bãi rác này rất lớn, gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Theo đồng chí Ngô Thái Chân, năm 2021, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 831,9 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị là 297,9 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom 91%; khu vực nông thôn là 534 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom 57%). Tỉnh đã đầu tư 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung để thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) và các vùng lân cận, công suất thiết kế của nhà máy là 320 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (160 tấn/1 ca), đồng thời, đưa vào vận hành 36 bãi rác tập trung trên địa bàn 10 huyện, thị xã (đây là các bãi tập kết, bãi đổ lộ thiên, không chôn lấp rác). Một số bãi rác đã quá tải, xuống cấp, cần phải được cải tạo, khắc phục để đáp ứng cho công tác vận hành, dự kiến kinh phí khoảng 19 tỷ đồng. “Tương lai nếu triển khai được Dự án Điện rác (đã quy hoạch) sẽ thu gom toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt về nhà máy để xử lý triệt để, đảm bảo môi trường. Hiện đã có nhà đầu tư là Liên doanh Haravest Waste B.V Hà Lan, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pacific Group và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn, Dịch vụ Đầu tư Alpha đến khảo sát, phân tích mẫu rác, hiện đang lập dự án đầu tư xử lý rác để phát điện với công suất 800 tấn/ngày” - đồng chí Ngô Thái Chân thông tin.

Trả lời chất vấn về thực trạng một số lò đốt rác hư hỏng, xây dựng lâu nhưng chưa quyết toán, dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách, người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh để có giải pháp xử lý trách nhiệm. Liên quan đến bãi rác tại phường 7, thành phố Sóc Trăng, đồng chí Ngô Thái Chân khẳng định sẽ xử lý lượng rác tồn và đóng cửa trước tết Nguyên đán 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu còn đề ra 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo trong năm 2023. Qua đó, mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, cử tri; sự ủng hộ của nhân dân, cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tap-trung-thuc-hien-nhung-du-an-trong-diem-trong-nam-2023-62072.html