Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ và triển khai nhiệm vụ năm 2024, định hướng đến hết nhiệm kỳ (2021 - 2026).

Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh.

Theo Bộ Tư pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội, phương châm hành động nhiệm kỳ và Nghị quyết số 01/NQ-CP hằng năm của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp hằng năm; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 222 nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành 78 nhiệm vụ có thời hạn, đang thực hiện 144 nhiệm vụ không có thời hạn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 583 nhiệm vụ, đã hoàn thành 439 nhiệm vụ có thời hạn, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Đồng thời, tiếp nhận, trả lời 327 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương (từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời tổng số 923 kiến nghị, đề xuất, đề nghị); tiếp nhận và trả lời 100% phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, chất lượng xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực chưa được khắc phục triệt để. Hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp còn hạn chế; vẫn còn tình trạng vi phạm lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp.

Việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn; bất cập giữa việc gia tăng khối lượng công việc nhưng biên chế ngày càng phải cắt giảm. Số vụ việc thi hành án chuyển kỳ sau vẫn còn cao; hiệu quả thi hành án hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn…

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, năm 2023, các mặt công tác tư pháp được UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, việc điều hành tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể, toàn diện và kịp thời.

Sở Tư pháp tham gia ý kiến đối với 225 lượt dự thảo văn bản; thẩm định 63 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh, 7 đề nghị xây dựng nghị quyết; hoàn thiện 27 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh (bằng 100% các văn bản tham gia ý kiến, thẩm định, hoàn thiện theo đề nghị).

Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra 73 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Kiểm tra theo thẩm quyền 78 văn bản quy phạm pháp luật và 2 văn bản có chứa quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.

Qua kiểm tra phát hiện 9 văn bản trái pháp luật, đến nay, các văn bản đã được xử lý bằng hình thức đính chính, rút kinh nghiệm, bãi bỏ, bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Về định hướng trong năm tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, ngành Tư pháp cần hoàn thiện thể chế; nhất là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Rà soát và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024. Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương; bảo đảm sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/416973/tap-trung-thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2024.html