Tập trung hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh đang tập trung tạo mọi điều kiện, tiếp sức cho hộ kinh doanh cá thể nâng quy mô phát triển lên thành doanh nghiệp (DN), để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra là đến năm 2020, thành phố có 500 nghìn DN chuyển đổi từ loại hình này. Tuy nhiên, việc vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

"Ngập ngừng" chưa muốn chuyển đổi...

Ðến cuối năm 2016, TP Hồ Chí Minh có 296.838 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Tuy nhiên, qua rà soát của cơ quan chức năng ở 24 quận, huyện, chỉ 1.182 hộ kinh doanh có hơn 10 lao động (một trong những điều kiện để chuyển sang hoạt động theo hình thức DN). Cụ thể, trên địa bàn quận 1 có gần 16 nghìn hộ kinh doanh, thì chỉ có 10 hộ có hơn 10 lao động, quận 3 có tổng cộng gần 12 nghìn hộ kinh doanh, chỉ có 46 hộ có hơn 10 lao động… Bước đầu, các quận, huyện đã rà soát danh sách và tổ chức tiếp xúc, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình. Hiện UBND các quận, huyện đang tập trung vận động các hộ kinh doanh dịch vụ
ka-ra-ô-kê, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… chuyển đổi thành DN. Trong đó, địa bàn quận 10 có 154 hộ kinh doanh ka-ra-ô-kê, nhà hàng, khách sạn đáp ứng điều kiện có 10 lao động trở lên, có số thuế khoán hơn 20 triệu đồng/tháng đã được đưa vào diện vận động chuyển đổi lên thành DN. Huyện Bình Chánh có 110 hộ có 10 lao động trở lên, hoạt động trong lĩnh vực may gia công, buôn bán. Huyện đã tổ chức tiếp cận 35 hộ và đang làm hồ sơ vận động hai hộ chuyển đổi lên DN.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, việc vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình DN đang gặp khó vì phần lớn các hộ kinh doanh đều ngại ngần, không thích chuyển đổi lên thành DN. Những vướng mắc từ thủ tục hành chính về giải thể hộ kinh doanh và đăng ký DN ảnh hưởng đến tâm lý của các hộ kinh doanh; hầu hết các hộ kinh doanh không có kiến thức về Luật DN và các quy định liên quan cũng như những quy định thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh; không có kinh nghiệm về các thủ tục giấy tờ về thuế và quyết toán thuế, việc thay đổi chế độ kế toán (từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn) cũng như cách thức quản lý sổ sách kế toán (hóa đơn, chứng từ, giấy tờ khai thuế…). Ngoài ra, các hộ không muốn chuyển đổi do lo sợ khi chuyển sang DN sẽ không được lấy lại tên cũ do trùng tên với DN hiện có, dẫn đến mất thương hiệu, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định pháp luật hiện hành quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với DN cao gấp hai lần hình thức hộ kinh doanh cho nên các hộ không muốn chuyển đổi thành DN. Ngoài ra, còn nguyên nhân khách quan là số lượng các hộ kinh doanh nhiều, nhưng số cán bộ chuyên trách trên địa bàn các quận, huyện hiện quá ít, rất khó khăn trong việc hướng dẫn các hộ kinh doanh hồ sơ, thủ tục khi chuyển đổi thành DN.

Tiếp sức nâng quy mô phát triển

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, mô hình hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động không hiệu quả, không có đóng góp cho thành phố. TP có hơn 249 nghìn hộ kinh doanh nhưng chỉ đóng góp 2% số ngân sách thành phố; 270 nghìn DN đăng ký kinh doanh đóng góp 98% còn lại. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện về số lao động, tiềm năng, quy mô nhưng vẫn chưa phát triển đúng với khả năng. Thành phố mong muốn thông qua sự hỗ trợ, tác động của chính quyền sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của DN và TP.

Tại cuộc họp về tình hình thu ngân sách tháng 1-2017 của TP mới đây, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến một lần nữa khẳng định, việc nâng hộ kinh doanh cá thể lên DN không phải chạy theo chỉ tiêu của TP đặt ra mà nhằm tạo điều kiện, tiếp sức cho hộ kinh doanh cá thể nâng quy mô phát triển. Chính quyền thành phố cần tạo điều kiện hướng dẫn những hộ này phát triển, đồng thời tạo ra những thương hiệu mới; cùng với đó, việc nâng tầm hộ cá thể lên DN cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán tăng thu ngân sách cho thành phố. Vì vậy, cần có giải pháp để chuyển đổi các hộ kinh doanh đủ điều kiện lên thành DN và giúp các DN này hoạt động phát triển tốt, không nên ép các hộ kinh doanh chưa đủ điều kiện phải chuyển đổi hình thức hoạt động. Nếu chạy theo số lượng, có thêm nhiều DN nhưng DN hoạt động không hiệu quả, dẫn đến đóng cửa, phá sản thì sẽ rất đáng buồn. Những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của TP cần ưu tiên vận động chuyển đổi. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị Cục Thuế thành phố nghiên cứu thay đổi mô hình thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể để tránh thất thu thuế. Riêng ba chợ đầu mối sẽ không để mô hình thuế khoán đối với các hộ kinh doanh như hiện nay.

Khó kiểm soát doanh thu hộ cá thể

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Duy Minh, hiện số hộ kinh doanh có doanh thu hơn một tỷ đồng/năm (điều kiện để nâng lên thành DN) rất lớn. Trong số đó, các hộ kinh doanh nhà thuốc, nhà hàng, khách sạn, đại lý mua bán hàng hóa… có doanh thu hằng năm rất cao, nhưng lâu nay hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, cơ quan thuế rất khó kiểm soát doanh thu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/32024802-tap-trung-ho-tro-ho-kinh-doanh-ca-the-chuyen-doi-thanh-doanh-nghiep.html