Tập trung chăm lo đời sống của người dân

Để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều, khách quan về sự thay đổi sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, phóng viên Hà Nội Ngày nay đã ghi nhận một số ý kiến đánh giá của người dân, đại diện các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở. Xin trân trọng giới thiệu.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội:
Ðời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên

Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, thành phố Hà Nội có 13 xã và 1 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng bản. Thời điểm mới sáp nhập, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 20%; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế. Trong đó, có 1 xã và 5 thôn thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II.

15 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ước tính, khu vực này đã được đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho hàng trăm dự án, chưa kể ngân sách đầu tư từ các huyện và vốn xã hội hóa... Từ đây, khu vực dân tộc, thiểu số miền núi của Thủ đô có sự đổi thay theo hướng tích cực. Đến hết năm 2017, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2022, 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá: Hà Nội là điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người các xã tại khu vực này đã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm nhanh chóng, hiện chỉ còn 0,96%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao. Hằng năm, thành phố đều tổ chức các hội thi thể thao các xã dân tộc thiểu số; các huyện có đồng bào dân tộc cũng xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, hát dân ca dân tộc Mường; múa Chuông, lễ Cấp sắc, tết Nhảy của dân tộc Dao...

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai:
Ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn

15 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực nông thôn. Ở nhiệm kỳ 2011 - 2015 và 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 2 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa đều lấy tên là Chương trình số 02 với nội dung trọng tâm về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Giai đoạn 2021 - 2025, Thành ủy tiếp tục ban hành Chương trình số 04 về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Qua các chương trình, Thành phố đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Đến nay, tại khu vực các huyện ngoại thành từ đồng bằng tới miền núi, dễ dàng cảm nhận được làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và văn minh hơn trước rất nhiều.

Cùng với thành tựu chung trong phát triển Thủ đô, Quốc Oai đã có rất nhiều đổi thay. Là một trong những huyện của tỉnh Hà Tây cũ, khi về Thủ đô, Quốc Oai đón thêm xã Đông Xuân của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Từ đó, huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 2 xã thuộc khu vực dân tộc miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn. Thời gian qua, với sự chăm lo đầu tư của Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của người dân, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện Quốc Oai đã phát triển mạnh, kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2018, huyện Quốc Oai đã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra... Đây là tiền đề, động lực để Quốc Oai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đô thị vào năm 2025.

Ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập

An Phú là xã xa nhất của huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Thủ đô 65km về phía Đông Bắc, tiếp giáp với huyện Lạc Thủy và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Xã có 2.186 hộ sinh sống không tập trung, chia thành 13 thôn, trong đó hơn 60% số hộ là người dân tộc Mường. Địa hình của xã vừa có đồng chiêm trũng, vừa nhiều đồi, núi nên canh tác rất khó, trong khi đó điều kiện cơ sở hạ tầng kém... nên trong những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở An Phú rất cao.

Nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố và huyện cùng với sự cần cù, chịu khó của người dân, đời sống kinh tế - xã hội ở An Phú đã dần khởi sắc. Biến cái khó trở thành lợi thế trong nông nghiệp, người dân An Phú chuyển diện tích lúa ở khu vực đồng trũng sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Với diện tích đồi núi, người dân chăn nuôi dê. Nhờ đó mà điều kiện kinh tế của người dân ngày một tốt hơn. Đến nay, An Phú đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Viết Dậu, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng:
Hạ tầng thay đổi, kinh tế phát triển

Tất cả đường trục chính của các thôn thuộc xã Trung Châu đã được trải nhựa, ngõ xóm được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, vừa giúp tiết kiệm điện vừa tiết kiệm tiền của cho người dân, bảo vệ môi trường.

Những năm trước người dân Trung Châu làm nông nghiệp là chính. Hiện nay, người dân làm rất nhiều nghề, hệ thống dịch vụ tại địa phương phát triển, nhiều lao động trẻ làm việc tại các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 73,4 triệu đồng/người; xã không còn hộ nghèo.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-trung-cham-lo-doi-song-cua-nguoi-dan-636119.html