Tập đoàn đứng sau những chiến xa mạnh mẽ nhất của nước Mỹ

Sau hơn 120 năm phát triển, General Dynamics đã trở thành một trong những tập đoàn quân sự hàng đầu của Mỹ, nổi bật với các sản phẩm như xe tăng M1 Abrams và xe bọc thép Stryker.

Lịch sử hình thành và phát triển

Vào ngày 7/2/2023, General Dynamics Corporation (GD) đã tổ chức lễ kỷ niệm 124 năm thành lập. Sau hơn 1 thế kỉ phát triển, GD đã trở thành một trong những tập đoàn quân sự lớn nhất nước Mỹ, sản xuất đủ chủng loại khí tài quân sự từ xe tăng, tàu ngầm cho tới máy bay chiến đấu.

Tiền thân của GD là công ty Holland Torpedo Boat, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tàu ngầm và tàu chiến cỡ nhỏ. Tới năm 1899, công ty này đổi tên thành Electric Boat, tập trung vào các đơn hàng của hải quân Mỹ.

Sau một thời gian sản xuất các chiến hạm, Electric Boat bắt đầu mở rộng sang các dự án hàng không trong giai đoạn 1940-1950. Tới năm 1952, cái tên General Dynamics chính thức ra đời, công ty bắt đầu tham gia vào các dự án vũ khí lớn như B-36 Peacemaker, F-102 Delta Dagger và F-106 Delta Dart.

Nguyên mẫu xe tăng AbramsX. Ảnh: GD

Vào năm 1964, GD cho ra mắt máy bay chiến đấu đa nhiệm F-111 Aardvark và gây được tiếng vang lớn. Tới năm 1974, GD trở thành ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ khi đánh bại Northrop trong chương trình ACF của Lầu Năm Góc. Máy bay YF-16 của GD khi ấy chính là tiền thân của tiêm kích F-16 nổi tiếng.

Trong những năm tiếp theo, GD hợp tác với Lockheed Martin để sản xuất máy bay F-16 Fighting Falcon. Ở thời điểm hiện tại, dù không còn tiếp tục chương trình F-16, nhưng máy bay này đã đem lại cho GD những khoản lợi nhuận khổng lồ để tiếp tục đầu tư.

Vào năm 1984, GD mua lại công ty Chrysler Defense với giá hơn 330 triệu USD rồi đổi tên thành General Dynamics Land Systems. Công ty con này chính là đơn vị phụ trách sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ là M1 Abrams và nhiều loại xe thiết giáp khác.

GD đang tập trung vào việc sản xuất các tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia. Chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào biên chế hải quân Mỹ trong năm 2027. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã giới thiệu nguyên mẫu xe tăng AbramsX, chiến xa kế nhiệm M1 Abrams trong tương lai không xa.

Sản phẩm tiêu biểu

Xe tăng M1 Abrams

Xe tăng M1 Abrams. Ảnh: US Army

M1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực của lục quân Mỹ, được đưa vào biên chế từ năm 1980. Tới năm 1991, xe tăng này lần đầu thể hiện khả năng thực chiến trong chiến tranh vùng Vịnh. Vào năm 2003, quân đội Mỹ đã sử dụng cả xe tăng M1 Abrams tham chiến tại Iraq, tiêu diệt hàng trăm chiến xa của đối thủ tại đây.

Xe chiến đấu bộ binh Stryker

Xe chiến đấu bộ binh Stryker. Ảnh: US Army

Stryker là loại xe thiết giáp bánh lốp, được sử dụng lần đầu trong các chiến dịch tại Iraq vào tháng 12/2003. Kíp vận hành xe gồm 2 người, có thể chở theo 9 binh lính.

Vào đầu tháng 3/2023, 90 xe thiết giáp Stryker đã được Mỹ gửi tới Ukraine. Theo các chuyên gia quân sự, phương tiện này có khả năng di chuyển linh hoạt trên nhiều địa hình và bảo vệ binh lính khỏi các loại đạn pháo phổ thông.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke

USS Milius - tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ. Ảnh: Seaforce

Arleigh Burke là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Hiện hải quân Mỹ đang vận hành 66 trục hạm loại này, tương lai có thể mở rộng quy mô lên 76 chiếc.

Ngoài hệ thống chiến đấu Aegis, các trục hạm lớp Arleigh Burke còn được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu mặt đất. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay và tấn công mặt đất, các trục hạm này còn có thể thực hiện tác vụ chống tàu ngầm và trinh sát.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tap-doan-dung-sau-nhung-chien-xa-manh-me-nhat-cua-nuoc-my-2126456.html