Tạo ý thức lành mạnh khi tham gia giao thông

Xây dựng văn hóa giao thông được nhiều địa phương quan tâm. Tuy nhiên, trong khi nhiều người có ý thức chấp hành, thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ thì không ít người, nhất là giới trẻ lại thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Vẫn còn hình ảnh một số thanh niên lái xe lạng lách như muốn thể hiện sự khác biệt của mình trên đường phố dù lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý vi phạm.

Hình ảnh cô gái bốc đầu xe máy trên đường Hùng Vương, TP. Đông Hà -Ảnh cắt từ clip

Hiện nay trên đường phố Đông Hà vào buổi tối không khó bắt gặp hình ảnh một số thanh niên lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ tại các ngã tư, ngã năm. Điều này khiến không ít người lo ngại, đặc biệt là các em học sinh.

Chị Hồ Thị Diệp bán hàng ăn đêm ở Quốc lộ 9 cho biết, đêm nào cũng vậy, khoảng 9 giờ tối đến 12 giờ đêm xuất hiện nhiều nhóm thanh niên điều khiển xe máy chạy rất nhanh, đánh võng, lạng lách, nẹt pô, phóng nhanh với tốc độ kinh hoàng khiến khách hàng của chị dù ngồi trong quán vẫn nơm nớp lo. “Không hiểu các nhóm thanh niên đó đang đi học hay đã nghỉ? Gia đình, cha mẹ có biết sự việc không? Thương nhất là các em học sinh đi học thêm buổi tối về thường bị các đối tượng lạng xe, trêu ghẹo khiến các em sợ hãi”, chị Diệp chia sẻ.

Tuy đường đi không xa nhưng anh Lê Xuân Tân ở Phường 5, TP. Đông Hà luôn sắp xếp để chở con gái đang học lớp 11 đi học phụ đạo 1 tuần 2 buổi tối vì lo ngại con tham gia giao thông một mình trên đường quá nguy hiểm. Có lần vì bất ngờ nghe tiếng nẹt pô quá lớn từ phía sau nên con gái anh đã giật mình, tự ngã trong lúc tham gia giao thông.

Vào đêm khuya, một số thanh thiếu niên còn đi vào các ngõ phố yên tĩnh, khi mọi người đã đi ngủ để nẹt pô, kéo ga gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Các đối tượng luôn cảnh giác và tìm cách tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng như chia thành nhóm nhỏ khoảng 3 xe/nhóm, chạy quãng đường ngắn và kết thúc rất nhanh. “Tôi mong muốn cơ quan chức năng hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt trể hiện tượng này, đem đến sự an tâm cho người tham gia giao thông và bình yên cho người dân”, anh Tân bày tỏ.

Nhiều người chưa quên sự việc mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip 5 giây ghi cảnh một cô gái bốc đầu xe máy trên đường Hùng Vương, TP.Đông Hà. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định người điều khiển phương tiện trên là T.T. (21 tuổi), trú tại TP. Đông Hà. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe và tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm.

Hay trước đó, Công an huyện Hướng Hóa bắt, xử phạt 13 đối tượng nẹt pô, rú ga, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm... gây nguy hiểm cho người đi đường. Trong 13 thanh thiếu niên này có 8 trường hợp không có mũ bảo hiểm, 9 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, 2 trường hợp không có giấy phép lái xe và 1 trường hợp chở người không đội mũ bảo hiểm.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, thời gian qua lực lượng đã siết chặt tuần tra và xử lý các đối tượng vi phạm một cách nghiêm khắc, khung xử lý vi phạm và hình thức xử lý được áp dụng cao hơn trước.

Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục đối tượng tụ tập lái xe, đánh võng bị xử lý. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh tiếp tục tập trung lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các nhóm thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông nhằm răn đe, giáo dục, góp phần xây dựng trật tự an toàn giao thông ngày càng văn minh hơn.

Các chuyên gia tâm lý và tội phạm học phân tích, nhóm tụ tập lái xe, nẹt pô, đánh võng trên đường hiện nay chủ yếu là thanh niên.

Đối tượng này luôn hiếu động, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích. Nhiều người trong số đó vẫn biết khi đi xe với tốc độ nhanh, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nhưng không ai muốn bị chê là nhát khi bị bạn rủ rê nên vẫn tham gia.

Tuy nhiên, trách nhiệm lớn vẫn thuộc về gia đình. Việc giao xe cho các con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; thiếu quản lý con cái... đều thuộc lỗi của ba mẹ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở các trường học và cộng đồng dân cư hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, để có được những cung đường giao thông văn minh, thân thiện, an toàn, công an các đơn vị, huyện, thị cần thực hiện các giải pháp như thông qua mạng xã hội, hệ thống camera giám sát công cộng, camera của người dân... để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn các đối tượng tổ chức lái xe lạng lách, đánh võng.

Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng cần chủ động lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thường tổ chức tụ tập... để tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe và giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tao-y-thuc-lanh-manh-khi-tham-gia-giao-thong/180559.htm