Tạo hành lang pháp lý bảo vệ di sản

Kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được quan tâm. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, cần có những thay đổi phù hợp để khắc phục bất cập, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa.

Du khách quốc tế tham quan Đền thờ Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình). Ảnh: P. Sỹ.

Khắc phục bất cập

Kể từ khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001 và sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, thì đã có sự chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa và văn bản pháp luật khác có liên quan trong cả lĩnh vực di tích, bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể.

Điển hình như việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ra đời sau pháp luật về di sản văn hóa vật thể, nên trong cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ cũng bị ảnh hưởng theo góc độ di sản văn hóa vật thể.

TS Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho rằng, việc đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào một danh sách thường dẫn đến khuynh hướng nhìn nhận rằng, những danh hiệu đi kèm các danh sách này chủ yếu để xác nhận giá trị di sản, vinh danh, quảng bá nâng cao hình ảnh của di sản, mà chưa thấy được tầm quan trọng và nội hàm của chiến lược và các biện pháp bảo vệ di sản, hoặc trong một số trường hợp là việc khẩn cấp bảo vệ các loại hình di sản.

Bên cạnh đó, việc ứng xử với di sản văn hóa ở nhiều địa phương chưa được như mong muốn, đầu tư cho văn hóa nhỏ giọt, vì nhiều địa phương ưu tiên tập trung cho phát triển tức thì hơn là đầu tư cho di sản văn hóa. Việc bảo tồn chưa được coi trọng tại các khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, trong thời gian tới nên ưu tiên những di sản sau khi bảo tồn tôn tạo có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch, cần nhấn mạnh để thấy rằng di sản không phải chỉ tiêu tiền, mà di sản là tiền. Đồng thời, cần phát huy di sản cho phát triển bền vững. “Với di sản văn hóa phi vật thể, đôi lúc có dư luận trái chiều là ngành văn hóa đang có hội chứng về di sản. Tuy nhiên, thực tế thấy rằng, di sản văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê, danh mục Di sản văn hóa quốc gia, ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền địa phương càng ngày càng tăng. Bởi vậy cần thiết có hành lang pháp lý phù hợp” - ông Bài nói.

Để cổ vật hồi hương

Bên cạnh việc bảo tồn, con đường hồi hương cổ vật Việt Nam thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Rào cản từ thủ tục pháp lý cho đến cơ chế cũng như tài chính. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược bài bản, có tầm nhìn cùng những chính sách linh hoạt, thông thoáng.

Nhìn lại câu chuyện đàm phán thành công rồi đến hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo” diễn ra thời gian vừa qua, cũng đã thấy xuất hiện nhiều vấn đề rất cần được tháo gỡ. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa chưa có một điều khoản quy định về hồi hương cổ vật. Đây là khoảng trống cản trở không nhỏ trong việc thúc đẩy cổ vật hồi hương.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, liên quan vấn đề mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, nên bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách chuyên nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân, từ đó chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật, bớt bị động như thời gian qua.

Nêu quan điểm của mình, TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn đối với các cổ vật được hồi hương về nước. Theo ông Quân, thời gian qua, nhà nước có chủ trương đưa cổ vật về nước nhưng có cổ vật về đến sân bay lại bị hải quan giữ lại vì chưa đóng thuế. Mức thuế lên đến 10% tổng giá trị cổ vật, điều này đã tạo ra những khó khăn lớn cho các đơn vị.

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng nhận định về những khó khăn liên quan đến cơ chế thuế khiến cho việc hồi hương cổ vật khó khăn hơn. Vì vậy, để con đường đưa cổ vật về nước thông thoáng, cần xem xét miễn thuế hoàn toàn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần bắt tay xây dựng các cơ chế, chính sách về việc đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, bố trí nguồn kinh phí phù hợp để mua cổ vật Việt Nam đang ở nước ngoài. Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc hồi hương cổ vật chưa được chú trọng quan tâm, vì vậy cần phải ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để nhập khẩu cổ vật, miễn toàn bộ thuế nhập khẩu cổ vật.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-bao-ve-di-san-10276819.html