Tạo đột phá trong phát triển thương mại

Để phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đầu tư phát triển thương mại.

đã chú trọng đầu tư phát triển thương mại. Mục tiêu trọng tâm được tập trung thực hiện là thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá đến các thị trường truyền thống ở trong nước cũng như tìm kiếm, mở rộng các thị trường ở nước ngoài…

Thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, các địa phương trong tỉnh đã được hỗ trợ phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu, là đặc trưng, đặc sản.

Với mục tiêu đưa thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 182/NQ-HĐND ngày 4/11/2021 thông qua Chương trình phát triển thương mại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình) với 11 chỉ tiêu.

Theo đó, để Chương trình đạt được các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Cùng với đó là chỉ đạo các địa phương tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, phân bố hợp lý mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Trong đó, hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong khai thác, vận hành và quản lý.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai nhằm tận dụng ưu đãi của các FTA và phát huy những lợi thế của địa phương.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, nhìn một cách tổng thể, hạ tầng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư phát triển. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân giai đoạn năm 2021-2022 là 18,3%/năm, cao hơn so với mục tiêu chung giai đoạn năm 2021-2025 là 5,3%/năm.

Về giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đề ra trong giai đoạn năm 2021-2025 là tăng bình quân từ 7%/năm trở lên, trong đó xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm trở lên. Chỉ tính riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 29,877 tỷ USD, trong đó xuất khẩu địa phương đạt trên 699 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Thái Nguyên vẫn giữ vị trí thứ 4 của cả nước về giá trị xuất khẩu; bình quân giai đoạn 2021-2022, giá trị xuất khẩu tăng 10,56%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương tăng bình quân 17,49%/năm.

Chợ xã Liên Minh (Võ Nhai) mới được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng, là chợ hạng III, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên địa bàn.

Hệ thống chợ nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân. Trung tuần tháng 10 này, xã Liên Minh (Võ Nhai) đã được bàn giao công trình chợ với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng. Với diện tích trên 4.000m2, chợ xã Liên Minh được đầu tư xây dựng 1 đình chợ, 4 ki ốt, 2 sân rộng, có đầy đủ công trình vệ sinh, đảm bảo theo tiêu chuẩn chợ cấp III. Dẫn chúng tôi đi thăm chợ mới nhận bàn giao, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thượng phấn khởi chia sẻ: Trước đây không có chợ, các sản phẩm của bà con làm ra phải mang sang chợ xã Tràng Xá bán, hoặc bày bán hàng ngay bên đường gây mất an toàn giao thông.

2 năm qua, toàn tỉnh có 7 chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó huyện Định Hóa có 3 chợ ở các xã Bảo Linh, Lam Vỹ, Quy Kỳ; huyện Võ Nhai có 2 chợ ở các xã Cúc Đường, Liên Minh; huyện Đại Từ có 2 chợ ở các xã Phú Thịnh, Phúc Lương.

Điểm nhấn quan trọng trong phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Đến nay, toàn tỉnh có 140 chợ, trong đó có 107 chợ triển khai mô hình Chợ 4.0. Giai đoạn 2021-2022 đã có 125 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 97,6% trong tổng số xã của tỉnh. Từ năm 2021 đến tháng 6-2023 có 67 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 13/67 dự án thuộc lĩnh vực thương mại với tổng mức đầu tư 4.675/41.669 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu đặc trưng, là đặc sản; triển khai chương trình tạo lập, quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ. Qua đó các sản phẩm đều được nâng cao về chất lượng cũng như giá trị. 2 năm gần đây, toàn tỉnh đã có 61 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận; cung cấp, hỗ trợ trên 1,7 triệu tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ 3,8 triệu tem dán nhận diện sản phẩm an toàn theo chuỗi; thiết kế, chế tác 1.500 huy hiệu OCOP Thái Nguyên nhằm quảng bá, tôn vinh các chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Các sở, ngành còn tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ năng cho chủ thể OCOP về livestream, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số (facebook, tiktok...).

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202310/tao-dot-pha-trong-phat-trien-thuong-mai-26226fb/