Tạo đột phá trong hoạch định chính sách khoa học, công nghệ

Năm 2023, lĩnh vực khoa học, công nghệ nước ta ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực: khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên, công nghệ sinh học, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, khoa học y dược, công nghệ cao... Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp đến, cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách.

Nhiều điểm sáng

Năm qua, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều hoạt động khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: trong nông nghiệp, khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác khoa học và công nghệ năm 2023. Ảnh: K. Duy

Lĩnh vực khoa học y - dược, đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng... Trong lĩnh vực công nghệ cao, nhờ ngành khoa học và công nghệ giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn nên tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Tại các địa phương, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực làm gia tăng giá trị sản phẩm cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến cho hơn 20 nghìn hecta giống chè mới chất lượng cao, góp phần đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng/năm. Các tỉnh Sơn La, Nghệ An ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ cũng góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân tăng 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống…

Cần giải pháp đi tắt, đón đầu

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song báo cáo tổng kết công tác khoa học và công nghệ năm 2023 cũng chỉ rõ, hoạt động khoa học, công nghệ còn những vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, cơ chế, chính sách, nhiều quy định ràng buộc đối với người làm khoa học nhưng vẫn chưa được tháo gỡ, đơn cử như vấn đề tài chính đối với các đề tài khoa học. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề này sẽ là rào cản lớn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của ngành khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, "việc sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật chưa phù hợp để tháo gỡ khó khăn khi triển khai các đề tài về khoa học - công nghệ là cần thiết"- Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mặt khác, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn hiến kế: Cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Trong đó, tập trung xây dựng một số chính sách như: Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ; gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành khoa học và công nghệ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, mục tiêu giai đoạn 2030 - 2045 đặt ra cho cả hệ thống chính trị rất cao, cho nên khoa học và công nghệ là giải pháp thực hiện các mục tiêu này, với tinh thần “đi tắt, đón đầu”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý: "Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý trên nền tảng thúc đẩy khuyến khích cho mọi người cùng làm. Cần coi nhà khoa học vẫn là đối tượng chính, quan tâm nhiều hơn tới nhà khoa học "chân đất", tạo cảm hứng cho các nhà khoa học có chính sách đủ chi phí nghiên cứu. Phối hợp tốt với nhau trong hệ thống, phối hợp các bộ ngành, và phối hợp với các nhà khoa học. Đặc biệt, cần chủ động kết nối với thế giới “ngồi trên vai người khổng lồ”.

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/tao-dot-pha-trong-hoach-dinh-chinh-sach-khoa-hoc-cong-nghe-i357056/