Tạo điều kiện tốt hơn cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp

Ngày 19-5, tại Khu công nghiệp Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc đối thoại với đại diện công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất (KCN, CX) trên địa bàn. Đây là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Tháng Công nhân năm 2017.

Đề nghị giảm thanh tra, kiểm tra

Sáng 19-5, dù trời mưa to, nhưng gần một nghìn công nhân lao động, cùng nhiều doanh nghiệp đang làm việc tại các KCN, CX trên địa bàn Hà Nội đã có mặt sớm tại hội trường Công ty Yamaha, khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để tham dự cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Sau kết quả hội nghị đối thoại năm 2016, khi 22 trong tổng số 31 kiến nghị đã được UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng liên quan tích cực giải quyết, hội nghị năm nay đã thu hút đông hơn số lượng công nhân lao động và doanh nghiệp tham dự. Trong hơn ba giờ, nhiều vấn đề liên quan sự phát triển của các doanh nghiệp, bảo đảm, nâng cao đời sống người lao động đã được nêu ra. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung phản ánh về công tác cải cách thủ tục hành chính và nhà ở cho người lao động.

Bức xúc trước tình trạng các đoàn kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp quá nhiều, trung bình mỗi tháng có một đoàn thanh tra, kiểm tra và có khi trùng lắp nội dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giamin Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đề nghị, việc thanh tra, kiểm tra phải được thông báo với Ban Quản lý các KCN, CX và phải có kế hoạch kiểm tra từ đầu năm, trừ trường hợp đột xuất. Đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị TP Hà Nội thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, trong đó nêu rõ không để tình trạng kiểm tra quá một lần trong một năm.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam (KCN Quốc Oai) Phan Thanh Hải phản ánh: Hiện tại, việc giải quyết các thủ tục hành chính thực hiện trong giờ làm việc, cho nên mỗi khi có thủ tục hành chính cần giải quyết, người lao động phải xin nghỉ phép, ảnh hưởng đến tiền lương của công nhân và sản xuất của doanh nghiệp. Đề nghị thành phố bố trí các đợt làm thủ tục hành chính như: cấp căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký tạm trú, hộ khẩu… tập trung ngay tại KCN hoặc vào một ngày thứ bảy trong tháng, tạo thuận lợi cho người lao động.

Giám đốc Công ty May Sài Đồng (KCN Hà Nội Đài Tư, quận Long Biên) Vương Quang Ngọc phản ánh: Ngày 20-2-2017, chúng tôi nhận được công văn của Ban quản lý khu công nghiệp thông báo chủ trương chuyển đổi KCN Hà Nội Đài Tư thành khu đô thị. Ngay sau đó, Ban quản lý KCN đã có quyết định yêu cầu công ty phải di chuyển trong tháng 5, điều này đã gây tâm lý hoang mang, xáo trộn trong cán bộ, công nhân lao động. Chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan công khai rõ lộ trình chuyển đổi KCN và tiến độ thực hiện để doanh nghiệp chủ động phương án, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động.

Nhà ở, trường học vẫn là mối lo của người lao động

Tại cuộc đối thoại lần này, vấn đề nhà ở, trường học, nhà trẻ cho con em vẫn là mối quan tâm của không ít công nhân lao động. Công nhân lao động tại các KCN Quang Minh (huyện Mê Linh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) kiến nghị: Tại mỗi KCN, CX, thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho công nhân lao động, giúp giảm chi phí thuê nhà, đi lại, tiết kiệm được thời gian và bảo đảm an ninh trật tự. Ông Nguyễn Khắc Cường, đại diện cho công nhân đang làm việc tại Công ty Canon Việt Nam kiến nghị: Chung cư tại KCN Bắc Thăng Long có bốn tòa nhà đã đưa vào hoạt động, trong đó, ba tòa đã cho thuê theo giá tạm tính, một tòa nhà cao tầng vẫn chưa đưa vào sử dụng vì chưa đưa ra được mức giá cho thuê. Trong bối cảnh còn nhiều lao động phải đi thuê nhà để ở, việc để trống tòa nhà nêu trên là rất lãng phí. Trước thực tế nhà ở cho người lao động vừa thiếu, chất lượng không cao, Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng phát triển KCN Vũ Hồng Việt nêu đề nghị, Chính phủ và TP Hà Nội cần có cơ chế ưu đãi về giá đất, nguồn vốn tạo điều kiện để doanh nghiệp xây nhà cho công nhân lao động mua và thuê với giá rẻ, đồng thời, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, nhà trẻ, trường học tại đó để người lao động và con em có điều kiện học tập, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng.

Trực tiếp giải đáp toàn bộ các kiến nghị, phản ánh tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố luôn đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Thành phố sẽ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa trong các KCN để công nhân cải thiện điều kiện sống, bảo đảm sức khỏe, ổn định sinh hoạt. Liên quan vấn đề nhà ở cho người lao động, đồng chí cho biết, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố sẽ xây dựng những khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn cùng những thiết chế văn hóa, dịch vụ đi kèm, tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân lao động.

40 nội dung được người lao động và các doanh nghiệp phản ánh tại buổi đối thoại đã được lãnh đạo thành phố giải đáp và đưa ra hướng giải quyết. Chị Hoàng Thị Tuyết (Công ty May Sài Đồng) đánh giá: Phần trả lời của lãnh đạo thành phố đã đi thẳng vào các nội dung kiến nghị của người lao động và doanh nghiệp. Kiến nghị của Công ty May Sài Đồng đã được Chủ tịch UBND thành phố xem xét, giải đáp trên tinh thần các doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng, và sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng cao nhất nguyện vọng của doanh nghiệp. Thành phố sẽ sớm họp về nội dung này và chúng tôi tin quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động sẽ được bảo đảm.

Công nhân lao động Thủ đô mong muốn, mỗi năm thành phố sẽ tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại trực tiếp, để các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động sớm được ghi nhận, giải quyết thỏa đáng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/32944302-tao-dieu-kien-tot-hon-cho-cong-nhan-lao-dong-tai-cac-khu-cong-nghiep.html