Tạo 'cú huých' cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, có đến khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là đối tượng vừa yếu về năng lực tài chính, nhân lực, vừa dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Trước những rủi ro khó lường, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 kỳ vọng sẽ là "cú huých" để các DNNVV hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chỉ chạy theo số lượng thì mục tiêu nói trên là khả thi, tuy nhiên điều quan trọng là tỷ lệ DN hoạt động ổn định sau thành lập. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, số DN phải “giã từ” thị trường là 27.400, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này đặt ra nghi ngại về việc tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DNNVV có lẽ chưa như kỳ vọng.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, thì đối với DN Việt Nam, còn nhiều nội dung tồn tại gây khó khăn, đó là: Mặt bằng, tiếp cận tín dụng, công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường. Ngoài ra, DN còn gặp khó trong khả năng tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, pháp luật. DN đã có công nghệ, nhân lực nhưng không tiếp cận được vốn và mặt bằng thì cũng không thể tổ chức triển khai được. Ví như trường hợp của Nguyễn Hà Đông với phần mềm trò chơi. Dù có ý tưởng tốt, có công nghệ, thị trường... nhưng lại thiếu hệ thống hỗ trợ cho ý tưởng đó nên sản phẩm không được phát triển theo đúng kỳ vọng mà đáng lẽ đây là một sản phẩm có tiềm năng phát triển trong nước và quốc tế. Vì vậy, điều cần nhất cho DNNVV hiện nay là sự đồng thuận để giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp.

Công nhân hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Cổ phần Woodsland (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội). Ảnh: Lê Hiếu

Ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành thì sự kỳ vọng lớn nhất là việc tổ chức triển khai phải nhanh, các địa phương phải quan tâm đến sự hỗ trợ cho DN. Chính sách hỗ trợ DN từ năm 2001 đến nay có đến 20 tỉnh, thành phố trên cả nước không triển khai được. Việc triển khai chậm cũng làm ảnh hưởng đến tính ưu việt, mục tiêu ban đầu của chính sách ban hành và làm ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Bên cạnh đó, việc thu hút được nguồn lực tiềm năng trong xã hội để hỗ trợ DN đổi mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, điểm nổi bật của Luật Hỗ trợ DNNVV là đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ và được chia làm hai phần gồm: Hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần và các chương trình hỗ trợ cụ thể, bảo đảm dẫn dắt định hướng DN phát triển theo chủ trương của Chính phủ, của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Luật Hỗ trợ DNNVV hiện đưa ra những chương trình cụ thể, như: Hỗ trợ DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (bước qua giai đoạn bỡ ngỡ) sang hình thức pháp nhân có ràng buộc nhất định về pháp luật; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm tồn tại trên thị trường. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, Luật Hỗ trợ DNNVV đã quán triệt tư tưởng đi từ nhu cầu phục vụ cộng đồng và phân tích cái yếu, cái thiếu của DNNVV để hỗ trợ. Ví như ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), mỗi gia đình trồng 5-10 sào, thậm chí 1-2ha vải... với hàng nghìn hộ dân trồng vải nhưng từng hộ lại không thể xác định thị trường như thế nào, thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường ra sao? Vì vậy, thời gian tới Nhà nước sẽ giúp củng cố chuỗi giá trị của cụm liên kết ngành bao quanh quả vải. Chính quyền địa phương sẽ khảo sát thị trường trên thế giới xem có những nước nào cạnh tranh với quả vải của nước ta vào đúng giai đoạn mùa vụ để tư vấn cho người dân...

Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều DN vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng hiện thực hóa các quy định trong luật, bởi nhiều nội dung hỗ trợ như tín dụng, đất đai nếu chiếu theo luật chuyên ngành rất khó khả thi. Dù vậy, không thể phủ nhận Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng sẽ là "cú huých" cho các DN lớn mạnh, trong đó rất chú trọng đến hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DNNVV.

Các chuyên gia cho rằng, khi luật đi vào cuộc sống bằng những chương trình cụ thể sẽ đạt được nhiều hơn mục tiêu đã đề ra. Hỗ trợ DNNVV không phải đặt ra những vấn đề to tát mà hãy đặt những câu chuyện rất thiết thực với những đối tượng DN cụ thể.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tao-cu-huych-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-514451