Tạo cơ hội cho sản phẩm mới tham gia OCOP

Từ sự lan tỏa của chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của các địa phương đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tạo cơ hội cho sản phẩm mới tham

Nhiều sản phẩm lợi thế tỉnh công nhận đạt sao OCOP (ảnh tư liệu).

Từ nền tảng sản phẩm thế mạnh

Để trở thành một sản phẩm mang thương hiệu OCOP, sản phẩm đó phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là yếu tố đảm bảo chất lượng, vệ sinh, có nguồn gốc. Muốn làm được điều này, việc xây dựng một quy trình sản xuất chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa là giải pháp hiệu quả nhất. Thời gian qua tỉnh đã dành nguồn lực hỗ trợ cho các đơn vị tham gia Chương trình OCOP cải tiến dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm. Đồng thời hướng dẫn, vận động, hỗ trợ các tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP mạnh dạn đăng ký tham gia sản phẩm.

Trong 56 sản phẩm OCOP của tỉnh công nhận vào năm 2020, riêng về trái thanh long tươi có 11 hợp tác xã (HTX) và 5 sản phẩm chế biến được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao. HTX thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) có sản phẩm thanh long ruột trắng được chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Theo ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ đánh giá, sau khi sản phẩm chứng nhận đạt 4 sao OCOP chất lượng, mẫu mã, bao bì của sản phẩm được đầu tư, cải tiến nâng lên đáng kể. Cùng với tổ chức liên kết sản xuất làm ra trái thanh long sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Úc, Nga… Hiện nay HTX đầu tư trang thiết bị máy móc, kho lạnh áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chế biến thêm các sản phẩm chế biến như: Thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép, rượu vang thanh long đa dạng hóa sản phẩm nâng cao thu nhập cho xã viên. Hàng năm HTX thanh long sạch Hòa Lệ tiêu thụ khoảng 5.000 tấn thanh long, giải quyết việc làm cho từ 50 – 70 lao động thường xuyên tại địa phương... Ngoài ra, trong 2 năm qua tỉnh ta còn có nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc hữu khác tạo nên sự phong phú đa dạng như gạo, rau sạch, sầu riêng, dưa lưới, nhãn xuồng, dầu bạc hà, dầu đậu phộng…

Phát triển thêm các sản phẩm mới

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của chương trình. Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ các chủ thể nâng cấp hoàn thiện sản phẩm OCOP năm 2021, và đề xuất công nhận trong năm. Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh cho biết: “Năm 2021, dự kiến tổ chức đánh giá phân hạng từ 10 – 20 sản phẩm OCOP mới. Hiện đã có khoảng 12 sản phẩm của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn xét đạt hạng sao năm 2021, chưa có sản phẩm đăng ký đề nghị nâng hạng sao chỉ có chủ thể có sản phẩm ở giai đoạn 2018 - 2020 đăng ký phát triển thêm sản phẩm mới. Song song đó là các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xúc tiến thương mại và hỗ trợ các điểm bán hàng OCOP”.

Việc quan tâm thu hút thêm ngày càng nhiều các sản phẩm mới tham gia chương trình sẽ làm phong phú, nâng tầm cho tổng thể Chương trình OCOP tỉnh. Qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và sự chủ động của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, thời gian tới, ngành chuyên môn tỉnh xác định, đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền đến các chủ thể thấy được lợi ích khi có sản phẩm đạt sao OCOP, đó là: Được hỗ trợ nhiều chính sách, chương trình như tập huấn, đào tạo; tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao công nghệ; sản phẩm đạt OCOP được các ban ngành quảng bá, xúc tiến thương mại… Đối với các sản phẩm mới khi tham gia sẽ được tập huấn về xây dựng kế hoạch kinh doanh đáp ứng theo Bộ tiêu chí quy định. Song hành đó là các hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm đạt OCOP, để sản phẩm OCOP là thương hiệu quen thuộc, chất lượng đến gần hơn mọi nhà, mọi người.

C.Tường

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tao-co-hoi-cho-san-pham-moi-tham-gia-ocop-143870.html