Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa Hà Nội

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Để làm rõ vấn đề này, ngày 15-5, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm 'Sửa luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa'.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Quyên

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hoàng Quyên

Cần có cơ chế, chính sách vượt trội cho văn hóa

Theo Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV, văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

“Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước”, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhận định.

Thực tế, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến đồng tình, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội có thêm các cơ chế, chính sách mới, thậm chí có những kỳ vọng về cơ chế, chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm vóc của Thủ đô.

Những sửa đổi mang tính đột phá

Tại tọa đàm, các khách mời, chuyên gia văn hóa cũng đã có những gợi mở, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô.

Không gian sáng tạo trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Hoàng Quyên

Không gian sáng tạo trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Hoàng Quyên

Theo Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Hà Nội có đầy đủ các lợi thế để đẩy mạnh phát triển văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Hà Nội đang bị các rào cản pháp lý nên chưa "bung tỏa", phát triển được. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới. Đơn cử như Điều 21 dành riêng về văn hóa thể thao; Điều 39 về đầu tư theo đối tác công tư; Điều 41 về quản lý tài sản công và khai thác hạ tầng cũng đưa vấn đề văn hóa vào; hay quy định về ưu đãi đầu tư trong Điều 43...

“Chúng ta sẽ có những ưu đãi dành cho những lịch vực đột phá, không chỉ cho Thủ đô mà còn cả nước, như trong lĩnh vực văn hóa. Luật Thủ đô (sửa đổi) tới đây sẽ tháo gỡ các rào cản pháp lý để từ đó phát triển văn hóa. Từ phát triển văn hóa lan tỏa sang sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Về tính đột phá trong Luật Thủ đô “sửa đổi” về lĩnh vực văn hóa, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho rằng, quy định mới và những điểm ưu đãi, vượt trội dành cho phát triển văn hóa được nêu trong một số điều của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là tháo gỡ bước đầu cho thành phố trong phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài 12 nhóm ngành chung, Hà Nội còn quan tâm nhóm ngành ẩm thực - nhóm ngành đã được UNESCO đưa vào là một lĩnh vực được công nhận và vinh danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung tập trung cho chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đây sẽ là cơ sở để Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-co-che-dac-thu-dot-pha-trong-phat-huy-gia-tri-van-hoa-ha-noi-666344.html