TĂNG TỶ LỆ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH – HƯỚNG TỚI QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP

Để đạt được một trong những mục tiêu đổi mới Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết só 27-NQ/TW 'về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới', một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia cho rằng, cần tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách nhằm hướng tới Quốc hội chuyên nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các chức năng đã được hiến định.

Vấn đề đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được quan tâm tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc với các mức độ khác nhau. Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ VII nêu yêu cầu chung “Cải tiến hoạt động của Quốc hội để làm đúng trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Các Đại hội tiếp theo đã xác định những lĩnh vực cụ thể hơn cần đổi mới; trong đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: "Tiếp tục xây dựng Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".

Quốc hội khóa XV

Theo ý kiến một ĐBQH cũng như chuyên gia, đổi mới tổ chức chủ yếu tập trung vào đại biểu Quốc hội, đổi mới hoạt động toàn diện hơn, trên cả 3 chức năng lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, gắn với đổi mới phương thức hoạt động. Những yêu cầu đổi mưới nhằm tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của Quốc hội trong bộ máy nhà nước; phù hợp với xu thế dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PGS. TS Đoàn Tố Uyên, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đại biểu Quốc hội là thành tố cơ bản và quan trọng nhất của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Do đó, cần xác định đầy đủ hơn về địa vị pháp lý và vai trò của Đại biểu Quốc hội; làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách, tăng dần số đại biểu Quốc hội chuyên trách để đạt một tỷ lệ thích hợp trong Quốc hội, phù hợp với thực tiễn nước ta.

Đổi mới chế độ bầu cử Đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm tính đại diện trong cơ cấu nhưng chất lượng của đại biểu phải được đưa lên hàng đầu. Trong hoạt động của mình các đại biểu Quốc hội phải phát huy vai trò trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, nâng cao năng lực, nhất là bản lĩnh và nghiệp vụ hoạt động đại biểu.

PGS. TS Đoàn Tố Uyên, Đại học Luật Hà Nội

Cho rằng, ĐBQH chuyên trách đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đều được đặt ra trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.

Tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đề ra mục tiêu “Số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng qua các nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%), Quốc hội khóa XV có 126 Đại biểu chuyên trách (chiếm 38,67%).

Theo TS. Nguyễn Thị Việt Nga, việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, tổ chức các tiểu ban, kiện toàn các nhóm làm việc phụ trách các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong điều kiện mỗi cơ quan của Quốc hội đều có phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách hiện nay vẫn chưa đạt con số “ít nhất 40%” được đề ra tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

“Nâng cao chất lượng ĐBQH nói chung và chất lượng ĐBQH chuyên trách nói riêng là yêu cầu tất yếu đặt ra để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chung của Quốc hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bổ sung các cơ chế cần thiết để lựa chọn được những đại biểu thực sự “đủ tâm, đủ tầm”, tạo điều kiện cho các ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri”, TS. Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ĐBQH hoạt động chuyên trách có tác động, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội. Nêu rõ, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã yêu cầu: “Thực hiện tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và ủy viên thường trực”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp khẳng định tăng số lượng ĐBQH chuyên trách là tất yếu trong quá trình đổi mới hoạt động Quốc hội.

PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, số thành viên hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội còn ít (khoảng 25% đến 30% tổng số thành viên), trong khi đó nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngày càng nhiều, cùng với việc yêu cầu nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề xuất, cần chú trọng tiếp tục tăng thêm số ĐBQH hoạt động chuyên trách chiếm ít nhất là 50% tổng số ĐBQH. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng ĐBQH nói chung, bởi đây là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Bày tỏ kỳ vọng, tăng hợp lý ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo trên tổng số ĐBQH, PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII lưu ý, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và điều kiện đảm bảo, chế độ chính sách để ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu, quy định cụ thể thời gian tối thiểu đại biểu dành để hoạt động tại đơn vị bầu cử, để bám sát thực tiễn, gắn bó với cử tri, thực hiện trách nhiệm trước cử tri./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83260