Tăng tuổi nghỉ hưu: Không đơn thuần vì sợ hụt quỹ lương?

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được nêu trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được xã hội quan tâm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa chế độ hưu trở về đúng bản chất là bảo hiểm tuổi già.

Chưa cân đối giữa đóng và hưởng

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện độ tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được duy trì từ năm 1960. Tại thời điểm này chưa có quy định người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH nhưng khi nghỉ hưu đều được Nhà nước chi trả và cho đến nay vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, chính sách về tuổi nghỉ hữu đã được điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt từ năm 1995 đến nay, BHXH thực hiện theo nguyên tắc “có đóng có hưởng”, tuổi thọ trung bình khoảng 67 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 tuổi, thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm là hợp lý.

Ảnh minh họa.

Và thực tế hiện đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ, chủ yếu do tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH); tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%); quy định điều kiện hưởng BHXH một lần khá thuận lợi và mức hưởng tăng lên so với quy định cũ (những năm đóng từ năm 2014 trở đi được tăng từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH). Nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trên là tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng ảnh hưởng đến khả năng cân đối của Quỹ BHXH trong dài hạn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Tăng tuổi thọ phải tăng tuổi nghỉ hưu?

Theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thì tinh giản biên chế là công cuộc cực kỳ khó khăn của bất kỳ quốc gia nào. Hiện tiền lương trả theo vị trí việc làm, nhưng thực tế vẫn xảy ra trường hợp người làm ít mà vẫn được hưởng lương cao do thâm niên công tác chứ không phải do hiệu quả công việc hay năng suất lao động quyết định. Đây quả là bài toán khó đặt ra công công tác tinh giản biên chế. Trong khi đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi nhiều cơ quan Nhà nước phải tuyển thêm cán bộ, nhân viên (những người có khả năng ngoại ngữ, tin học) vào làm việc khiến biên chế lại tăng thêm.

“Đến lúc nào đó cảm thấy là anh không làm được việc, anh phải rời khỏi cái ghế là cả một vấn đề không đơn giản. Bởi hiện tại họ có vị trí rồi, đưa ra rất khó. Mặc dù, các đơn vị đoàn thể tiến hành vận động, song xét cho cùng đó là miếng cơm manh áo của người ta mà phải rời khỏi vị trí đó thì người ta không kiếm được việc gì làm cả, còn người có năng lực họ sẵn sàng về hưu ngay kể cả ở vị trí lãnh đạo”- ông Lợi nhấn mạnh. Do đó, vấn đề đặt ra cần giải bài toán, người không có năng lực, hoặc không đáp ứng yêu cầu so với môi trường làm việc mới nhưng lại không thể xét trong nhóm tinh giản biên chế, với việc xét tiếp các đối tượng mới vào làm việc để đáp ứng nhu cầu hội nhập thì mới tính tiếp bài toán tăng tuổi nghỉ hưu.

Đồng thời với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định, khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH. Nếu người lao động dừng làm việc tại bất kỳ thời điểm nào thì đều được hưởng lương hưu mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào. BHXH Việt Nam cũng cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội, do vậy để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì phải tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động và cần có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, phải lường trước những tác động của chính sách, để khi chính sách ban hành phải mang lại những điều tốt hơn cho người lao động, cho người dân, đồng thời phải bảo đảm lợi ích kinh tế và tài chính lâu dài cho đất nước.

Đ.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-tuoi-nghi-huu-khong-don-thuan-vi-so-hut-quy-luong-45327.html